Đề xuất bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật Sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ hoặc kiến nghị giải pháp phù hợp khác...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 723 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 8 (diễn ra từ 15 -17/2).

Theo đó, về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung như thể chế hóa đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng, nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng Cảnh sát cơ động là phòng, chống bạo loạn và khủng bố, được bố trí ở những địa bàn trọng điểm với các trang thiết bị phù hợp và đảm bảo công tác chỉ huy thống nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ, khả thi. Quy định rõ hơn về việc huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; việc vào trụ sở cơ quan và nơi ở của cá nhân… bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với pháp luật có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, đúng quy định, tránh việc lạm quyền trong tổ chức thực hiện.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật hoặc kiến nghị giải pháp phù hợp khác để điều chỉnh nội dung này, bảo đảm tính đồng bộ, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của đối tượng được điều chỉnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong quá trình soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng với khám bệnh, chữa bệnh; giữa sử dụng thực phẩm chức năng với thuốc trong khám chữa bệnh; quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh, các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám chữa bệnh, nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí khám chữa bệnh, mua sắm, sử dụng, quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; việc khám chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt; tiêu chí của các cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận…;

Đồng thời, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của chuyên gia để hoạch định chính sách, đề xuất các quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thông lệ quốc tế, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về kết quả bước đầu việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát đánh giá tổng hợp chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch đến nay, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, đánh giá nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân nào do quy định của Luật Quy hoạch chưa phù hợp (nếu có) hoặc của các văn bản dưới luật, nguyên nhân nào do tổ chức thực hiện, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; tình trạng kế thừa, thực hiện công khai và điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 và quy hoạch thời kỳ mới. Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, khẩn trương có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo bảo đảm nội dung và tiến độ theo đúng yêu cầu của Đoàn giám sát, nếu cần thiết sẽ thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông việc các Bộ, ngành, địa phương chậm trễ gửi báo cáo.

MỚI - NÓNG