Đề xuất bỏ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

Đề xuất bỏ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
TPO - Đó là nội dung mới trong Luật Nhà ở được Bộ Xây dựng đề xuất trong Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS tổ chức sáng 23/5.

> Dự án treo 'neo' hàng ngàn sổ đỏ

200.000 căn hộ chưa cấp sổ đỏ

Theo Thống kê của Bộ Xây dựng, so với năm 1999, hiện diện tích nhà ở của cả nước đã tăng hơn gấp 2 lần (từ hơn 709 triệu m2 lên khoảng 1,6 tỷ m2), diện tích nhà ở bình quân đầu người cũng tăng gấp đôi (từ 9,68m2 lên 19m2). Hiện, cả nước có khoảng 3.700 dự án nhà ở, khu đô thị mới đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng trên diện tích 90.100 ha.

Việc công nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân tính đến hết năm 2009 (thời điểm chuyển đầu mối cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sang cho ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện), cả nước đã cấp được hơn 1.200.000 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng số lượng còn tồn đọng vẫn khá lớn.

Còn tại Hà Nội, tính từ năm 2001 đến tháng 5/2012, đã giao đất cho 370 dự án phát triển nhà ở, với tổng diện tích 121.433m2, khoảng 590.000 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự phải cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án thấp, với khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và Thị trường BĐS cho biết, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và không chồng chéo với Luật đất đai, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, thay vào đó sẽ bổ sung các quy định có liên quan đến việc công nhận quyền sở hữu nhà ở, quy định sở hữu nhà ở riêng lẻ, quyền sở hữu nhà chung cư...

Đề xuất này được đa số các chủ đầu tư tham dự Hội nghị đồng tình bởi hiện nay, tại các khu đô thị lớn ở Hà Nội như: Ciputra, Mỹ Đình - Mễ Trì, Linh Đàm (Hà Nội)... hàng trăm căn hộ chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở khiến người dân bức xúc.

“Việc hình thành quỹ này cũng nhằm tránh trường hợp chủ đầu tư sử dụng tiền huy động được sai mục đích. Với Quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà, các doanh nghiệp là chủ đầu tư khi bán nhà hình thành trong tương lai phải chịu trách mua bảo hiểm. Với các trường hợp chậm tiến độ, sai mục đích thì người mua nhà sẽ được hưởng bảo hiểm. Trong điều kiện pháp lý của ta chưa hoàn thiện thì cần có sự tham gia của Nhà nước ở lĩnh vực nhà ở BĐS để đảm bảo quyền lợi của mình”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.

Đây được coi là giải pháp “cứu cánh” cho chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn như hiện nay để giảm bớt chi phí trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở với chung cư.

Sẽ lập Quỹ bảo hiểm cho người mua nhà

Thị trường BĐS suốt thời gian đóng băng vừa qua chứng kiến không ít cảnh người dân tụ tập treo băng rôn, khẩu hiệu phản đối chủ đầu tư nhiều dự án vì chậm tiến độ khiến khách hàng chịu thiệt.

Đề xuất sửa Luật kinh doanh BĐS, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do chưa có cơ chế bảo hiểm cho người góp vốn hoặc mua nhà hình thành trong tương lai nên dẫn đến nhiều trường hợp chậm tiến độ, thậm chí chủ đầu tư huy động vốn dùng tiền để đầu tư cho dự án khác, bán nhà trên giấy gây thiệt hại cho người dân. Vì vậy nên đưa Quỹ bảo hiểm người mua nhà bổ sung vào Luật kinh doanh BĐS.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, cần phải phân biệt rõ giữa huy động vốn (cùng góp vốn, sau đó phân chia lợi nhuận) với việc mua bán theo hợp đồng trả tiền trước hay trả tiền dần để mua nhà.

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ có các quy định bổ sung liên quan đến góp vốn mua nhà. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu về việc thành lập Quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà nhằm bảo vệ quyền lợi của những người mua nhà trả trước, mua nhà hình thành trong tương lai hay còn gọi là đối tượng mua nhà trên giấy.

Theo Viết
MỚI - NÓNG