Đề nghị quy định dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện: Giáo viên nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều giáo viên cho rằng, chắc chắn đề nghị quy định dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu có quy định thì giáo viên và nhà trường được “cởi trói” nhiều.

Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy khi thảo luận tại Quốc hội sáng 20/11 có nói, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.

Nhu cầu có thật

Trước đề nghị quy định dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện, cô Nguyễn Thị Ngọc Dung - hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng nhu cầu giáo viên dạy thêm là có thật.

“Tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu việc học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh thì đó không phải là xấu. Cái này chính là điểm được của dạy thêm”- cô Dung nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này cho rằng, đề nghị quy định dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện muốn thật sự chất lượng phải có quy định rõ ràng, kiểu như "cấp phép”, có quy định giáo viên ai sẽ đủ điều kiện được dạy, như thế thì sẽ tốt hơn. “Cấp phép thật sự chứ không phải lấy lệ đưa ra”- cô Dung nói

Trước lo ngại, nếu hợp thức hoá việc dạy thêm sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, như dạy trên lớp lơ là để dành cho lớp dạy thêm. Ra bài kiểm tra với các dạng bài ở lớp học thêm..., cô Dung cho rằng cần nghiên cứu thực sự nghiêm túc. Dạy thêm trong nhà trường thì đã có sự quản lý của Ban giám hiệu và Phòng Giáo dục. Và đương nhiên, nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức dạy thêm. Dạy thêm bên ngoài thì đúng là một vấn đề. Nhưng nếu quản lý nghiêm việc dạy thêm ngoài nhà trường thì vẫn sẽ ổn.

Cần có quy định rõ ràng cấm hay không cấm

Cô giáo N.Đ.T.T, một giáo viên dạy văn trường THPT ở Hà Nội cho rằng, chắc chắn quy định này sẽ gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu có quy định thì giáo viên và nhà trường được “cởi trói” nhiều.

Cô T chỉ ra thực tế, bấy lâu nay chúng ta cấm thì các trường học không được dạy thêm nên phụ huynh có nhu cầu con được rèn vì con học yếu mà phụ huynh cần thì phải tìm lớp học thêm ở ngoài.

“Khi mà đã cấm dạy đồng nghĩa học sinh ra bên ngoài học. Nhưng nếu không cấm dạy thì sẽ lại tràn lan vì giáo viên, nhà trường không bị cấm đoán gì”- giáo viên này cho biết.

Cô T thừa nhận, nhiều trường đúng là học thêm nhưng lại kiểu tự nguyện bắt buộc, nhà trường phát phiếu về, học sinh ngại nhà trường, cô chủ nhiệm và giáo viên dạy nên vẫn phải đăng ký học thêm.

“Cơ bản học thêm ở trường có một lượng lớn học sinh cần và thấy phù hợp còn lại có nhiều học sinh tìm lựa chọn học thêm bên ngoài. Nhất là ở cấp 1, cấp, 2 tư duy bao trùm, chi phối ảnh hưởng của mình nhiều hơn thì khi học sinh không học nhiều, thầy cô nảy sinh tự trọng, tự ái, nhu cầu về kinh tế. Có việc trù ẻo có thật trong việc học sinh có đi học thêm hay không. Hiện tượng giáo viên có thái độ thiếu tích cực với học sinh không đón nhận buổi học thêm nếu giáo viên tổ chức khi nhà trường cho phép là có”- giáo viên nói.

Cô T chỉ ra thực tế, có giáo viên dè xẻn phương pháp kĩ năng trên lớp để bớt lại một phần để ở lớp dạy thêm. Có phần kiến thức mà thầy cô tinh tế, có thủ thuật "ém lại" để dạy một cách dè sẻ trong lớp mà vẫn đủ theo yêu cầu nhưng sau chia sẻ trong lớp học thêm.

“Tôi cho rằng rất khó để có một quy định cứng nhắc. Nếu quy định cấm dạy trong nhà trường thì học thêm bên ngoài sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu không có quy định cấm thì nhà trường sẽ dạy tràn lan”- giáo viên này chia sẻ.

Vậy làm sao để giảm bớt những tiêu cực trong việc dạy thêm, cô T cho rằng, điều này phụ thuộc vào nhận thức của giáo viên và lòng tự tôn, tự trọng nghề nghiệp thực sự mới hạn chế được tiêu cực.

Mặt khác, theo giáo viên này, việc học thêm có giảm còn phụ thuộc vào chính phụ huynh. Thực tế, nhiều phụ huynh con học tốt nhưng áp lực nhiều khi tự đặt ra. Phụ huynh cứ nói áp lực điểm số, nhưng phụ huynh vẫn cố cho con đi học cho chắc với mục tiêu vào trường chuyên lớp chọn, để thi các chứng chỉ quốc tế,...

“Quy định cho dạy thêm các trường chả tội gì mà không dạy. Các trường khi đó sẽ tự công khai, không phải e ngại. Khi đó, nhà trường có cách để học sinh viết vào đơn đấy dù nhiều học sinh không thích đi học thêm. Trong môi trường giáo dục, tôi thấy tinh thần của giáo viên có những nhận thức mới mẻ về vấn đề dạy thêm nhưng kinh tế ràng buộc nên nhiều khi thầy cô bị hấp dẫn bởi các nguồn thu nên vẫn mở lớp”- vị giáo viên này nói.

Cô Nguyễn Thị D, giáo viên dạy Hóa của Hà Nội có đề xuất, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT phải ban hành một quy định rõ ràng hơn có hay không việc "cấm" hay "không cấm" các giáo viên trường công được dạy thêm.

Mặt khác theo giáo viên này, nếu không cấm, các điều kiện bắt buộc các giáo viên phải tuân thủ là gì? Cơ quan địa phương nào (quận, phường, sở) có trách nhiệm đi thanh tra, xử phạt khi phát hiện sai phạm?

MỚI - NÓNG