Đề nghị kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên hết xăng dầu ở Hậu Giang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sở Công Thương Hậu Giang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu hoặc kiểm tra hệ thống của các doanh nghiệp (DN) thường xuyên hết hàng và báo cáo đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối…

Theo Sở Công Thương Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 233 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 7 thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng dầu đang hoạt động.

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị khảo sát 233 lượt cửa hàng kinh doanh xăng dầu (KDXD), kiểm tra thực tế đối với 87 cửa hàng. Qua kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp nào đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Tuy nhiên, đã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt 5 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh với tổng số tiền 65 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã lập biên bản kiểm tra 12 DN, nhắc nhở 8 DN và xử lý vi phạm hành chính đối với 4 DN, tổng tiền phạt 274,5 triệu đồng. Ngoài ra, hiện đang xử lý 1 DN có hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Riêng trong ngày 1/11, khảo sát của Cục QLTT tỉnh cho thấy, có 46 cửa hàng xăng dầu thiếu hụt nhiên liệu. Trong đó, 24 cửa hàng hết xăng dầu; 20 cửa hàng hết xăng còn dầu; 2 cửa hàng hết dầu còn xăng.

Theo Sở Công Thương Hậu Giang, hàng hóa thiếu cục bộ do tâm lý tiêu dùng của người dân lo sợ, hoang mang khi nghe thông tin giá xăng dầu sắp tăng, nên tranh thủ mua để sử dụng và tích trữ, dẫn đến lượng người tập trung đổ về các cửa hàng xăng dầu đông hơn ngày bình thường. Vì vậy, làm cho cửa hàng thiếu hụt hàng cục bộ, không điều tiết kịp thời, gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng cháy chữa cháy.

Đề nghị kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên hết xăng dầu ở Hậu Giang ảnh 1

Lực lượng chức năng tỉnh Hậu Giang kiểm tra cửa hàng xăng dầu.

Sở Công Thương Hậu Giang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho các DN có lãi để duy trì hoạt động; đồng thời, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường.

Hậu Giang hiện có 4 DN (với 13 đại lý và 8 cửa hàng) thường xuyên hết hàng và báo cáo đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống. Sở Công Thương cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và cho viết cam kết. Tuy nhiên, hàng hóa đến hiện tại vẫn chưa ổn định và đảm bảo để cung cấp và duy trì cho hệ thống cửa hàng bán lẻ nhằm ổn định tình hình thị trường và tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương Hậu Giang kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu khác hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu hoặc kiểm tra hệ thống của các thương nhân nói trên.

Cơ quan này cũng đề nghị các thương nhân hoạt động KDXD trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường. Chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh mức chiết khấu trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Thực hiện nghiêm các quy định về nghĩa vụ thương nhân. Cam kết duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng, nhằm ổn định tình hình thị trường và tâm lý tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh…

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.