Bộ trưởng Tài chính: Phải 'điều tiết' được chi phí giữa các doanh nghiệp xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Dù có tăng chi phí đó lên 5.000 đồng/lít hay 10.000 đồng/lít mà không điều phối được, doanh nghiệp đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở bên ngoài hệ thống, thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính: Phải 'điều tiết' được chi phí giữa các doanh nghiệp xăng dầu ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc trao đổi với PV xoay quanh câu chuyện cung ứng, thiếu hụt xăng dầu tại một số thành phố lớn thời gian qua.

Theo Bộ trưởng, để cập nhật chi phí tính giá cơ sở với xăng dầu, cần có ý kiến từ Bộ Công Thương và đề xuất của các doanh nghiệp liên quan đến các chi phí phát sinh. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính mới nhận được văn bản kiến nghị của 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, chưa nhận được văn bản của Bộ Công Thương về vấn đề này.

“Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định, trong trường hợp giá xăng dầu có biến động mạnh, Bộ Tài chính phải tập hợp ý kiến để trình, tham mưu cho Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính đã có ba văn bản và ngày hôm qua (2/11) cũng đã phát tiếp văn bản gửi các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 7 doanh nghiệp gửi báo cáo, trong khi Bộ Công Thương chưa có ý kiến thì không thể làm được”, ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng, khi thực hiện điều chỉnh “phải đồng bộ” theo đúng quy định của luật, trên cơ sở báo cáo chi phí phát sinh được doanh nghiệp đầu mối xăng dầu báo cáo, Bộ Công Thương gửi văn bản cho ý kiến, mới làm căn cứ để tính giá và đưa ra mức chi phí trung bình.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, hiện nay các chi phí trong cơ cấu tính giá xăng dầu đã được Bộ nhiều lần điều chỉnh, với tổng các chi phí này gần 2.000 đồng/lít. “Do đó, theo kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp, nếu chi phí này tiếp tục được điều chỉnh tăng, sẽ tác động đến giá bán lẻ xăng dầu làm giá tăng theo và người dân phải gánh chịu chi phí này”, ông Phớc lưu ý.

Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính không quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu. Do đó ngay cả khi điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, thì vấn đề đặt ra là phải “điều tiết” được chi phí giữa các doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ.

“Dù có tăng chi phí đó lên 5.000 đồng/lít hay 10.000 đồng/lít mà không điều phối được, doanh nghiệp đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ ở bên ngoài hệ thống, thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vừa qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, không nhất thiết phải sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thay vào đó, Chính phủ có thể ra Nghị quyết riêng về vấn đề này. Tức là chuyển phần chức năng của Bộ Tài chính trong quản lý mặt hàng xăng dầu sang Bộ Công Thương làm căn cứ thực hiện thống nhất một đầu mối.

Việc này được thực hiện và làm theo quy trình các bước của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có thể được thực hiện sau.

Ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối xăng dầu đề nghị phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị đã đưa ra tại công văn trước đó. Để đảm bảo tính kịp thời, Bộ này đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, chiều qua (2/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống…

Đồng thời, Bộ Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.