Doanh nghiệp mách chiêu gỡ khó thị trường xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, vấn đề khó khăn nhất và là lối thoát duy nhất cho thị trường hiện nay chính là Bộ Tài chính thực hiện ngay việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn thông qua điều chỉnh đủ các khoản chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã liên tục bị lỗ, mất vốn từ cuối năm 2021 đến nay.

Đề nghị "giải cứu"

Một lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, tập đoàn này vừa có văn bản báo cáo gửi đồng thời tới Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về các vấn đề phát sinh liên quan chi phí kinh doanh xăng dầu. Theo vị này, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do các chi phí chưa được tính đầy đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, premium nhập khẩu (khoản phí doanh nghiệp đầu mối phải trả cho các nhà cung cấp) đang cao hơn nhiều so với mức áp dụng trong giá cơ sở. Ngay cả khi đã được Bộ Tài chính điều chỉnh ngày 7/10 vừa qua, chi phí vận chuyển đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng đến nay thấp hơn chi phí thực tế doanh nghiệp phải trả từ 40 đến 60 đồng/lít.

Doanh nghiệp mách chiêu gỡ khó thị trường xăng dầu ảnh 1

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng?. Ảnh: Nguyễn Bằng

Một bất cập khác liên quan tính chi phí của Bộ Tài chính được đại diện Petrolimex nêu ra chính là các quy định về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cũng như các khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng cách tính đồng/lít, trong khi việc giao dịch của doanh nghiệp với nhà cung cấp đều tính bằng USD/thùng. Với việc tỉ giá tăng và Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá linh hoạt theo chiều hướng tăng liên tục, nếu Bộ Tài chính không cho điều chỉnh cách tính chuyển sang USD/thùng, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ chịu thiệt hại.

“Để cập nhật kịp tình hình thị trường và biến động của tỉ giá, đề nghị định kỳ hằng quý, Cục Quản lý giá rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời”, Petrolimex kiến nghị.

Huy động hết công suất 2 nhà máy lọc dầu

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có báo cáo về kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn với sản lượng quý IV dự kiến 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu thị trường). Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa. Trong đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến vận hành ở mức công suất 105% trong các tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Tập đoàn này cũng nêu một loạt bất cập và đề xuất Bộ Tài chính gỡ khó như: xem xét điều chỉnh chênh lệch chi phí kinh doanh năm 2021 của Petrolimex đã được kiểm toán vào chi phí kinh doanh định mức; điều chỉnh các khoản mục chi phí tăng bất thường trong năm 2022 trong giá cơ sở để đảm bảo bù đắp được chi phí kinh doanh xăng dầu thực tế phát sinh của doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần tiếp tục sớm có quyết định gỡ cho doanh nghiệp các khó khăn về tín dụng, tỉ giá, chi phí… chưa được tính đủ trong chi phí hiện nay. Các doanh nghiệp khi không còn lực và liên tục phải bán lỗ sẽ không thể đáp ứng đủ nguồn cung, việc thiếu hụt và gián đoạn cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí nghiêm trọng hơn.

Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng?

Theo một doanh nghiệp đầu mối, vai trò của Bộ Tài chính trong giai đoạn này đặc biệt quan trọng với sự tồn tại của các doanh nghiệp xăng dầu. Từ ngày 1 đến 31/10, tính theo giá công bố của Ngân hàng Vietcombank, mỗi USD đã tăng tới 836 đồng. Với nhu cầu tiêu thụ khoảng từ 1,8 - 2 triệu m3/tấn xăng dầu mỗi tháng trên toàn quốc, các doanh nghiệp xăng dầu phải trả thêm khoản tiền chênh lệch tăng thêm từ tỉ giá trong giá xăng dầu lên tới hơn 1.500 - 1.600 tỷ đồng.

Một phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, chi phí chênh lệch tỉ giá từ 1/6 đến khi Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 1747 về việc nới biên độ tỉ giá lên 5% mới đây đã làm tăng chi phí bình quân giá xăng dầu của tập đoàn khoảng 17 đồng/lít. “Riêng khoản chênh lệch tỉ giá này khiến tập đoàn chịu khoản phát sinh tăng 142 tỷ đồng”, vị này nói.

Theo tính toán của TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh), việc từ đầu năm đến nay Bộ Tài chính tính chưa đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp trong giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu đã khiến doanh nghiệp đầu mối bị thiệt hàng nghìn tỷ đồng. Ông Tây cho rằng, căn cứ vào số liệu giá xăng dầu nhập khẩu năm 2022 của Bộ Công Thương công bố, giá trị chênh lệch các khoản chi phí của doanh nghiệp đầu mối chưa được tính vào giá thành cơ sở toàn bộ quá trình mua xăng dầu vào khoảng 5USD/thùng (1 thùng xăng chứa 158,9 lít).

Với số lượng xăng dầu nhập khẩu từ đầu năm đến nay hơn 6,5 triệu m3/tấn, khoản chi phí của các doanh nghiệp chưa được Bộ Tài chính tính đủ trong giá cơ sở tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng. Con số này cũng khá tương đồng với mức lỗ của các doanh nghiệp đầu mối tính đến hiện nay. 9 tháng đầu năm 2022 Petrolimex lỗ 870 tỷ đồng; PVOil quý III lỗ 277,5 tỷ đồng…

“Do thua lỗ mất vốn nên các doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng nhiều hơn, lãi vay đưa vào hạch toán trong giá thành nhiều hơn dẫn đến càng lỗ nhiều hơn trong các kỳ kinh doanh kế tiếp. Hậu quả cuối cùng, nếu không được điều chỉnh các chi phí kịp thời từ Bộ Tài chính, sẽ làm cho thị trường xăng dầu thêm hỗn loạn khi doanh nghiệp lỗ đến mức không còn vốn kinh doanh”, ông Tây nói.

Nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp kinh doanh

Trong báo cáo mới nhất về công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết, những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng. Cũng do thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

“Tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước”, Bộ Công Thương cho hay.

“Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống”, Bộ Công Thương cho hay.

MỚI - NÓNG