Dấu hiệu có thêm người liên quan
Trưa 9/9, sau một hồi xét hỏi, HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung thêm dấu hiệu có người khác thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án bị cáo Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977), cựu Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Ba Đình, lừa đảo 2.700 tỷ đồng.
Diễn biến tại phiên tranh tụng cho thấy, nhiều bị hại lên tiếng về việc họ vì tin tưởng vào uy tín của ngân hàng nên mới gửi tiền cho Nhung, thời điểm gửi tiền Nhung vẫn đang làm Phó Giám đốc ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình.
Ngoài ra, luật sư của các bị hại đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nguyễn Thị Diệu L. (theo cáo trạng, L. là người đứng tên Cty sân sau của Nhung) và các cấp dưới khác của Nhung trong việc dẫn dụ các bị hại nộp tiền.
Trước đó, khi làm thủ tục khai mạc phiên đầu giờ sáng, thư ký tòa thông báo có 3 đại diện tố tụng của Eximbank được triệu tập tới tòa nhưng vắng mặt, chỉ một nhân viên ngân hàng này được cử đến nghe diễn biến.
Các luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị bác tư cách tham gia của nhân viên ngân hàng có mặt tại tòa vì "chỉ đến nghe" và cần triệu tập đại diện ngân hàng Eximbank đến tham gia phiên tòa để làm rõ các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị cần triệu tập những người làm "trung gian", giúp bị cáo Nhung lừa đảo. Lý do, các bị hại từng tố cáo nhóm trung gian này mới là thủ phạm lừa đảo nhưng cơ quan điều tra không xử lý. Các luật sư cho rằng nếu họ vắng mặt, cần áp giải tới tòa.
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung. |
Lừa hàng nghìn tỷ, tiền đã đi đâu?
Trong cáo trạng, Viện kiểm sát xác định năm 2013, bị cáo Vũ Thị Thu Nhung, sau khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình, đã đưa thông tin gian dối người quen về việc Eximbank có nhiều chương trình gửi tiền ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có quan hệ nội bộ trong ngân hàng với lãi suất cao và quà tặng chăm sóc giá trị. Mục đích Nhung gian dối là để nhận tiền của nhiều người có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm.
Ngoài ra, Nhung còn bịa với khách hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình tổ chức bán đấu giá tài sản nợ xấu tại ngân hàng. Qua đó, bị can chiếm lừa đảo của hàng trăm người, với tổng số tiền hơn 2.705 tỷ đồng.
Đến nay, Cơ quan điều tra mới xác định có 46 bị hại trong trong vụ án với đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ cụ thể, đã chuyển tiền cho Nhung với tổng số hơn 788 tỷ đồng. Nhung đã sử dụng phần lớn số tiền để trả tiền lãi hoặc tiền lợi nhuận cho các bị hại với tổng số tiền hơn 477 tỷ đồng. Hiện, Nhung còn chiếm đoạt của các bị hại hơn 311 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán.
Đáng chú ý, quá trình xác minh tài sản liên quan đến Nhung để kê biên phong tỏa, Cơ quan truy tố nhận thấy, hầu như cựu Phó giám đốc ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình, không còn gì ngoài tài khoản số dư 1 tỷ đồng.
Theo cơ quan truy tố, trong 3 ô tô đứng tên Vũ Thị Thu Nhung, hiện đều thế chấp ngân hàng với khoản dư nợ gần 600 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã trao trả 2 trong 3 xe cho ngân hàng để xử lý khoản vay.
Căn chung cư 120m2 tại quận Bắc Từ Liêm của Nhung cũng đang thế chấp vay ngân hàng, khoản vay đã quá hạn thanh toán, tổng nợ hơn 1,8 tỷ đồng.
Thửa đất khác rộng 120 m2 quận Tây Hồ, được ngân hàng định giá 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, thửa đất cũng được bị can thế chấp để vay 12 tỷ đồng, còn nợ 11,5 tỷ đồng.
Tại quận Ba Đình, tuy sổ đỏ đứng tên Nhung thửa đất 39m2 nhưng đã ký hợp đồng chuyển nhượng giá 4 tỷ đồng cho cá nhân khác từ tháng 3/2020.
Còn lại tại huyện Ba Vì, cơ quan tố tụng cho hay năm 2015, Nhung có mảnh đất rộng hơn 5.600m2, đã chuyển nhượng.
Đến nay, Cơ quan truy tố xác định, Vũ Thị Thu Nhung "không có khả năng khắc phục hậu quả" vụ án.