Chị Lê Thị Bán, gần 22 năm làm ở Xí nghiệp môi trường Hải Châu chưa một lần được đón giao thừa bên gia đình.
Gặp khi chị đang nghỉ trưa ở gần nơi làm việc, đôi tay trầy xước, nhăn nheo. Đầu đội mũ bảo hộ chuyên dụng, bịt kín 2 lớp khẩu trang, không đoán được tuổi của chị.
Chị Bán chia sẻ, nghề nào cũng có vui có buồn. Vui vì vào những ngày cuối năm, cũng như lúc giao thừa, mọi người thấy chị đang cật lực dọn rác ở ngoài đường đã chạy tới tới chúc Tết, an ủi, động viên chị hoàn thành tốt công việc để trở về nhà thật sớm đón giao thừa bên gia đình. Mặc dù, chỉ là những động viên an ủi, thế mà lòng chị thấy ấm áp biết bao.
Chị Lê Thị Bán đã 22 giao thừa chưa ở nhà. Ảnh: Thái Lâm |
Chị kể, cách đây mấy hôm xảy ra vụ cháy thùng rác vì người dân cúng tất niên xong, đốt giấy vàng mã nhưng chưa cháy hết liền bỏ vào thùng rác khiến bốc cháy cả thùng. Khi chị về nhà, hàng xóm lẫn người thân không nhận ra mình, vì khi đó trên người chị toàn là một màu đen do bụi giấy dính vào.
Nhắc đến nỗi buồn, chị Bán trầm lắng một lúc kể, vì nghề nghiệp nên bao năm phải chấp nhận đón giao thừa ở ngoài đường. Bao nhiêu đêm 30 Tết khi mọi người sum vầy xem pháo hoa, đón giao thừa bên nhau, còn mình…lom khom lo dọn sạch đường phố, rồi lủi thủi đi về. Nên chị vẫn hy vọng được một lần đón giao thừa cùng với gia đình.
Chị kể có đêm 30 Tết, trời lạnh, chị khép mình vào một góc tối nào đó tranh thủ nghỉ ngơi chờ xe vận chuyển tới đưa rác đi rồi lại tiếp tục công việc. Đến đây, chị Bán không kìm được cảm xúc, đôi mắt rưng rưng. Chị bảo chỉ ước lúc đó có chiếc nệm nhỏ, ly trà ấm ngả lưng được một chút…
Chồng chị Bán cũng là công nhân môi trường và cùng có thâm niên như chị. Có những đêm giao thừa vợ chồng anh chị được đứa con lớn đến phụ giúp đẩy từng chiếc xe rác đầy có ngọn để còn về kịp cúng giao thừa vì lượng rác quá nhiều.
“Về tới nhà tầm 3-4 giờ sáng, nguyên ngày mồng một Tết nằm la liệt ở nhà cho tới mồng Hai không đi đâu hết trơn, tới mồng Ba lại phải bắt đầu công việc năm mới”, chị Bán kể.
Cùng chung cảnh với chị Bán, anh Nguyễn Văn Đức có 9 năm trong nghề và chưa bao giờ được đón giao thừa ở nhà. Anh Đức cho biết, vợ anh cũng là lao công, thế nên hai vợ chồng phải tranh thủ mua đồ Tết sớm để trữ, chứ tới ngày cận Tết là hết đồ để mua. Biết là sẽ buồn vì không được đón giao thừa cùng các con thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên mình đành chấp nhận.
“Theo thói quen, nhiều gia đình cứ đến ngày cận Tết mới dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là rác cồng kềnh như bàn, ghế salon… khiến đơn vị vận chuyển rơi vào tình trạng quá tải. Nếu thay đổi được thói quen vứt rác thải lớn vào một hai ngày trước thời điểm giao thừa thì sẽ hạn chế được tình trạng quá tải cho đơn vị vận chuyển rác và chúng tôi kịp về nhà đón giao thừa”, anh Đức bộc bạch.
“Mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng Cty vẫn luôn cố gắng đảm bảo, duy trì tiền lương, tiền thưởng cho công nhân viên để không có ai bị bỏ lại phía sau ở khoảng thời gian khó khăn này. Ðặc biệt, Cty vẫn tổ chức thi đua, thưởng Tết cho các xí nghiệp ở quận xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ông Phạm Quang Sáng,
Phó giám đốc Cty CP Môi trường đô thị Ðà Nẵng
Thay đổi thói quen dọn nhà đón Tết
Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi, vận động người dân chủ động dọn rác có kích thước lớn từ 1 đến 2 tuần trước Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tình trạng quá tải cho các đơn vị vận chuyển rác, để công nhân kịp về nhà đón giao thừa với người thân.
Vừa mang ra vỉa hè cái tủ cũ cùng đống rác, anh Lê Trọng Nghĩa (trú ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho biết hay tin thành phố khuyến khích người dân dọn rác cồng kềnh, có kích thước lớn trước Tết nên anh đã tranh thủ thời gian dọn sớm. “Công nhân môi trường công việc rất nặng nhọc, nhiều khi làm xuyên Tết. Tôi nghĩ mỗi gia đình dành chút thời gian tranh thủ dọn rác sớm thì sẽ có thời gian để anh chị em công nhân môi trường kịp về đón giao thừa với người thân”, anh Nghĩa chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Như (trú ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, ngay khi nghe thông tin, chị liền bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa mà không chờ chồng về, vì chồng chị là quân nhân nên thời gian rất sát sao. “Vừa sớm dọn sạch nhà cửa lại có thể giúp cho những chị em người lao công kịp được về đón giao thừa, tốt quá đi chứ. Tôi mong ai ai cũng có những giây phút giao thừa thiêng liêng bên người thân của mình”.
Theo ông Phạm Quang Sáng, Phó giám đốc Cty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng rác hằng ngày trên địa bàn khoảng 1.000 tấn, nhưng vào thời điểm cận Tết này lượng rác thải tăng đột biến gấp 3-4 lần. Trước tình hình đó, đơn vị khuyến khích người dân liên hệ các xí nghiệp môi trường tại các quận tổ chức thu gom rác thải cồng kềnh trước Tết Nguyên đán từ 1-2 tuần trước ngày 25 tháng Chạp nhằm đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh một cách triệt để.