> Nỗi lo động đất Quảng Nam
> Rung chấn
Cuộc họp nghe đoàn nhà khoa học vừa từ “chiến trường” thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) trở về. Định hỏi mấy lần nhưng thấy ông có vẻ lảng tránh nên thôi. Một nguồn không chính thức cho hay chuyện phát ngôn tại thị xã Tam Kỳ vừa rồi của một số nhà khoa học thuộc Viện được mổ xẻ sôi nổi nhất.
“Sự hoang mang là do cộng hưởng của ba yếu tố: Rò rỉ nước, dân kém hiểu biết, và báo chí sử dụng thuật ngữ không chính xác”. Câu nói ấy của một nhà khoa học hôm 12-9 đã gây làn sóng phản ứng từ cộng đồng mạng. Dường như đọc được mong mỏi của khách, dù không bị hỏi, chủ nhà chợt thốt lên: “Chúng tôi rất buồn khi gặp phải các sự cố về phát ngôn gây hiểu lầm đáng tiếc”.
Không biết có phải vì thế hay vì lý do gì mà lãnh đạo Viện đi đến quyết định có lẽ thuộc hàng khẩn cấp nhất trong lịch sử 55 năm của ngành VLĐC. Trong tháng này hoặc cùng lắm sang tháng 10, sẽ triển khai ngay dàn năm trạm quan trắc địa chấn tại vùng thủy điện Sông Tranh 2. Đích thân Viện trưởng sẽ dẫn đoàn vào lắp đặt trạm.
Mạng trạm với một trạm trung tâm ấy có thể có cả máy đo gia tốc. Xác nhận này của Viện trưởng phần nào giúp hóa giải khẳng định của một số vị có trách nhiệm rằng mấy máy gia tốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ở đập Sông Tranh 2 cũng đo được độ lớn và chấn tiêu các trận động đất vừa rồi.
Hỏi vì sao phải khẩn cấp vậy. Trong lời đáp với mấy lý do liền, có một lý do đáng để ý: “Việc quan sát cần thực hiện liên tục để phục vụ nghiên cứu, đánh giá động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Càng có nhiều số liệu, đánh giá mới càng chính xác”.
Vậy tại sao chỉ sau vài cuộc, mỗi cuộc vài ngày mà chả cuộc nào có máy quan trắc, ta lại liên tiếp đưa ra các khẳng định chắc chắn về nguyên nhân động đất? Luận về sự trung thực, khách quan trong khoa học xong, ông nhắc tôi cần để ý đến cục diện chung, không nên làm xáo trộn, tránh gây hoang mang.
Vẫn biết là phải vậy, nhưng để an dân thì mọi kết luận của nhà khoa học phải thuyết phục để dân tin.