Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017):

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu sẽ đẩy lùi tiêu cực

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.
TP - “Nếu đề cao được trách nhiệm người đứng đầu sẽ đẩy lùi được tiêu cực. Do vậy cần làm tốt hơn nữa, nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình ở các tổ chức Đảng cũng như vai trò người đứng đầu”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với Tiền Phong nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2017).

Ông đánh giá thế nào về công tác kỷ luật trong Đảng trước một số vụ việc nổi cộm, được người dân quan tâm thời gian qua, điển hình là vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh?

Việc xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ vi phạm cả về mặt Đảng và về pháp luật, điển hình như vụ Trịnh Xuân Thanh vừa qua là kịp thời, cần thiết, thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về chỉnh đốn Đảng. Việc xử lý cán bộ như thế cũng là một bước quan trọng để siết chặt kỷ luật Đảng.

Xử lý cán bộ vi phạm là rất cần thiết, thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Cũng phải nói rằng, trước đây chúng ta xử lý cán bộ còn nương nhẹ. Kỳ này chúng ta đã xử lý đúng người, đúng việc, đúng tội. Điều này còn có ý nghĩa giáo dục, răn đe những người khác.

“Cần làm tốt hơn nữa, nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình ở các tổ chức Đảng, vai trò người đứng đầu, và cốt lõi vẫn phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng” 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Vừa qua, T.Ư 4 khóa XII đã đưa ra 27 điểm về biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng là để cho các tổ chức Đảng căn cứ vào đó tự nhìn nhận lại, xem trong tổ chức Đảng mình có những biểu hiện ấy không. Bản thân mỗi cán bộ đảng viên ở tất cả các cấp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, xem mình có biểu hiện đó không, nếu có thì phải tự sửa chữa, nếu không Đảng phải đưa ra thi hành kỷ luật Đảng, hoặc xử lý trước pháp luật.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đặc biệt là xây dựng nhà nước pháp quyền thì đòi hỏi mọi cán bộ đảng viên phải tuân thủ pháp luật, phải sống, hành động theo Hiến pháp và pháp luật. Nếu vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý như những công dân khác chứ không thể được ưu ái, miễn trừ. Bên cạnh xử lý kỷ luật trong Đảng, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải xử lý cả về mặt hình sự, như thế mới đảm bảo tính nghiêm minh.

Liên quan vụ Formosa, vừa qua Bộ TN&MT đã tiến hành xử lý kỷ luật một số cán bộ, trong đó có một phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hai trưởng phòng, một phó trưởng phòng. Song điều mà dư luận còn băn khoăn là vì sao đến nay bộ này vẫn chưa công bố danh tính những người bị kỷ luật? 

Tôi cũng đồng tình với việc nên công khai danh tính những người bị kỷ luật, không có gì phải giấu giếm. Càng công khai thì càng thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước.

Cũng có thể trong nội bộ còn chuyện gì tế nhị mà chưa dám công khai ra, hay còn phải đợi chuẩn y của cấp trên, song theo tôi, kể cả những đồng chí cao cấp hơn nữa, nếu vi phạm cũng phải công khai danh tính và mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật, như thế sẽ đảm bảo tính nghiêm túc trong kỷ luật. Bản thân Bác Hồ cũng từng nói, một Đảng giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, vì thế cần công khai cho toàn ngành cũng như toàn xã hội biết.

Nhiều ý kiến cho rằng, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn chưa cao. Nếu Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương hay Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ trước đây thực sự có sức chiến đấu, rất có thể đã không xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như vừa qua?

Đúng là ở một số ngành và một số địa phương, tính chiến đấu của tổ chức Đảng chưa cao. Chính vì tính chiến đấu không cao dẫn tới hiện tượng nể nang, cho qua mọi việc. Cũng có thể trong nội bộ cấp ủy có người phát hiện ra những điều bất bình thường đó, nhưng lại không dám đấu tranh. Đó là dấu hiệu đáng buồn của một số tổ chức Đảng ở địa phương cũng như một số ngành.

Khắc phục điều này, theo tôi cần tập trung củng cố vai trò của Ban cán sự Đảng của các ngành, các tổ chức Đảng cấp ủy ở địa phương. Dù không phải là tất cả, nhưng những trường hợp như ở Hậu Giang, hay của Bộ Công Thương trước đây, sức chiến đấu, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu kém, nên mới không phát hiện ra, thậm chí biết nhưng lại không dám nói.

Bên cạnh đó, cũng phải nói là trách nhiệm người đứng đầu rất yếu, chưa được đề cao. Điều này có thể dẫn tới độc đoán, chuyên quyền. Nếu đề cao được trách nhiệm người đứng đầu, sẽ đầy lùi được tiêu cực.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG