Tổng Bí thư: 'Người đứng đầu tự tung tự tác là hỏng'

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TPO - Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ phải chịu sự kiểm soát của dân, của Đảng, sự giám sát của Quốc hội. “Người đứng đầu mà tự tung tự tác, quyết định tất, quyết dự án, quyết cán bộ..., cứ thế là hỏng, quan trọng nhất là mất lòng tin", Tổng Bí thư nói.  

Sáng 18/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri kiến nghị liên quan các vấn đề như giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người; vấn đề xây dựng Đảng; phòng chống tham nhũng; kê khai tài sản…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đây là những ý kiến rất tâm huyết, chất lượng, mang tính xây dựng và chân tình.

Theo Tổng Bí thư, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV kéo dài hơn một tháng, có nhiều vấn đề quan trọng như báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016; nhiệm vụ, phương hướng năm 2017, giám sát các báo cáo chuyên đề, các vấn đề thời sự mà nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, cho ý kiến về các dự án luật…

Theo Tổng Bí thư, Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu.

Cũng theo Tổng Bí thư, vấn đề xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực là công cuộc cơ bản, lâu dài. Các ý kiến của các ngành, các cấp, nhân dân đều thấy cần thiết phải tiếp tục xây dựng Đảng, nhưng có trọng tâm riêng. “Trọng tâm của trọng tâm là phải chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hoá”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, cán bộ có chức có quyền phải chịu sự kiểm soát của dân, của Đảng, sự giám sát của Quốc hội.

“Người đứng đầu mà tự tung tự tác, quyết định tất, quyết dự án, quyết cán bộ, đề bạt, tranh thủ cuối nhiệm kỳ đưa con cháu mình lên. Cứ thế là hỏng, là mất lòng tin”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, quan trọng nhất là cơ chế giám sát để giúp nhân dân giám sát, Quốc hội giám sát, người dân phải giám sát cả Quốc hội, giám sát đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

“ĐBQH vừa rồi một số người bị bãi miễn. Nếu tay đã nhúng chàm thì sao giám sát được. Ai giám sát Quốc hội? Phải là người dân. Người dân thông qua đoàn thể, qua mặt trận để mặt trận giám sát, phản biện xã hội”, Tổng Bí thư nói.

MỚI - NÓNG