Đề án 794 tỷ đổi mới thi cử: Vì sao vừa ban hành đã thu hồi?

Bộ GD&ĐT thu hồi đề án 794 tỷ đổi mới thi cử
Bộ GD&ĐT thu hồi đề án 794 tỷ đổi mới thi cử
TP - Vì sao chỉ sau một tháng ban hành, Đề án 794 tỷ đổi mới thi cử đã bị chính Bộ GD&ĐT thu hồi?

Ngày 17/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ  ký  ban hành quyết định phê duyệt đề án đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020. Sau 1 tháng ban hành, nhưng chỉ sau 2 ngày báo chí biết thông tin, đề án này đã bị chính Bộ GD&ĐT thu hồi, vì sao?

Theo văn bản gửi các cơ quan báo chí hôm qua, 22/5, Bộ GD&ĐT khẳng định, từ năm 2015, tổ chức 1 kỳ thi THPT QG lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Để đảm bảo sự ổn định và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2021 trở đi phù hợp với chương trình SGK mới, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020”.

Sau khi có thông tin từ các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  đã chỉ đạo kiểm tra lại nội dung Đề án. Xét thấy, nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lắp, một số nội dung thiếu khả thi; một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi. Do vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo thu hồi Đề án để tiếp tục hoàn thiện.

Bộ GD&ĐT cho rằng, con số hơn 749 tỷ đồng là khái toán cho 3 năm từ 2018-2020. Bộ phận soạn thảo đã đưa vào khái toán nhiều khoản kinh phí không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ví dụ: kinh phí từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia, Dự án Hỗ trợ Đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), Chương trình Phát triển các trường sư phạm (ETEP). Cách khái toán này đã dẫn đến sự không thống nhất trong cách hiểu, cần phải nghiên cứu điều chỉnh cả nội dung và vấn đề tài chính khi soạn thảo Đề án. Bộ trưởng GD&ĐT đã chỉ đạo bộ phận soạn thảo nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là khi tính toán các nội dung về tài chính.

Vẫn còn những câu hỏi

Thứ nhất, Đề án này có một số phận kỳ lạ. Lạ ở chỗ ký từ ngày 17/4 nhưng mãi hơn 1 tháng sau, thông tin mới “rò rỉ” ra ngoài. Thật khó hiểu, cả một Đề án có khái toán lên đến 749 tỷ đồng nhưng như “áo gấm đi đêm”. Chỉ đến khi thông tin được rò rỉ ra, dư luận mới biết.

Thứ hai, tại công văn số 4462 về việc tổ chức kỳ thi THPT QG và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui năm 2018 gửi các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, các trường ĐH, các trường cao đẳng đào tạo giáo viên, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an),  Bộ GD&ĐT khẳng định sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Do vậy, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới giữ ổn định như năm 2017. Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, trong các năm 2018, 2019, 2020 việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Vậy tại sao lại có Đề án đổi mới này.

Thứ ba, trong đề án, có thể thấy việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi THPT giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn từ 2021 trở đi. Vậy, ngân hàng câu hỏi này có bị lạc hậu, hoặc vênh với chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện sau 2020 không?

Hơn nữa, cũng trong văn bản 4462, Bộ GD&ĐT khẳng định từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.

Trong khi đó, với văn bản gửi cho báo chí về quyết định thu hồi, Bộ GD&ĐT chỉ coi đây như một “tai nạn” về tính toán kinh phí khi xây dựng đề án. Điều đáng nói, trước đó không lâu Bộ vẫn khẳng định giữ ổn định kỳ thi và xét tuyển ĐH này đến năm 2020, và nội dung Đề án đổi mới vừa bị thu hồi cũng lại không thấy gì đổi mới.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.