'Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không giới hạn gói vay'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không giới hạn gói vay. Điều này có nghĩa các ngân hàng đáp ứng theo nhu cầu theo khả năng của lĩnh vực này. Nếu ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng nguồn tái cấp vốn".

Sẽ giảm thêm 2-3% lãi suất cho vay ưu đãi

Ngày 7/11, tại tỉnh Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình cho vay ưu đãi 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490 của Thủ tướng.

Hội nghị do ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, lúa gạo là một trong những loại nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Lúa gạo trong vài năm tới luôn là vấn đề quan trọng và nóng. Nếu làm tốt khâu liên quan lúa gạo sẽ phát huy lợi thế của Việt Nam, ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490 ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

"Với đề án này không bàn lùi mà chỉ bàn tiến. Chúng ta phải tổ chức lại và muốn đi xa phải đi cùng nhau, dựa vào nhau. Các đơn vị phải gắn kết chặt chẽ, chung thuỷ. Nếu chỉ nhìn vào lợi ích cá nhân thì đề án không thành công", ông Tú nói.

Theo Phó Thống đốc, chương trình tín dụng cho đề án đã có với lãi suất giảm 1%. "Tại hội nghị này, có cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước và có các ngân hàng thương mại tư nhân. Nếu ngân hàng giảm thêm 2-3% cho chương trình này nữa thì quá tốt. Chương trình vừa là trách nhiệm nhưng cũng mang lại quyền lợi cho ngân hàng và lợi ích của toàn xã hội", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

'Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không giới hạn gói vay' ảnh 1

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN - phát biểu tại hội nghị ngày 7/11 (ảnh: N.M).

Phó Thống đốc cho hay, khi tham gia chương trình liên kết, khách hàng được vay theo hạn mức phù hợp quy mô sản xuất. Thời gian vay phù hợp theo chu kỳ sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đầu tư trung dài hạn sẽ được tiếp cận vốn dài hạn. Nếu doanh nghiệp muốn vay 1.000 tỷ đồng vốn trung dài hạn, nhiều ngân hàng có thể cùng tham gia cho vay.

"Khi tham gia chuỗi này, cho vay và đi vay có thể không phải sử dụng tài sản đảm bảo nhà cửa để thế chấp, vì ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền. Đây là điều kiện rất quan trọng. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân hiểu rõ là tham gia chuỗi liên kết anh được hưởng lợi thế nào, các ngân hàng ưu đãi ra sao", ông Tú nhấn mạnh.

Theo thông tin chia sẻ tại hội nghị, tính đến cuối tháng 9, huy động của các ngân hàng trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 857.000 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.

Riêng đối với ngành lúa gạo (là thế mạnh của vùng), mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo các chi nhánh NHNN tại 12 tỉnh, thành; ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại bố trí vốn vay theo chương trình.

"Các chương trình khác còn bị giới hạn gói vay nhưng riêng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không có giới hạn gói vay. Nghĩa là các ngân hàng đáp ứng theo nhu cầu theo khả năng của lĩnh vực này. Nếu ngân hàng thương mại không cân đối được nguồn vốn, NHNN sẽ hỗ trợ bằng nguồn tái cấp vốn", Phó Thống đốc nói.

Doanh nghiệp còn nhiều lo ngại

Bà Tạ Thu Thủy - Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh, tỉnh Đồng Tháp - cho biết vẫn lo ngại vấn đề tài sản đảm bảo đối với những doanh nghiệp thu mua nông sản thì câu chuyện tài sản đảm bảo rất khó khăn. Vì vậy, việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn còn nhiều hạn chế. "Tôi kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn", bà Thủy nói.

Ông Trần Trương Tấn Tài - Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), tỉnh Kiên Giang bày tỏ băn khoăn: "Hiện, mức ưu đãi lãi suất 1% là căn cứ vào mặt bằng lãi suất cho vay nào, cao hay thấp hơn lãi vay hiện tại của doanh nghiệp đang vay. Hiện nay, chúng tôi đang được Vietcombank cho vay với lãi suất 4,3%/năm. Vậy chúng tôi tham gia và vay vốn có được ưu đãi thấp hơn mức hiện tại không?".

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank - khẳng định, lãi suất cho vay theo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ thấp hơn với lãi suất cho vay trên thị trường.

"Tôi cam kết giảm 1% lãi suất cho vay so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, tuy nhiên mức lãi suất như thế nào thì tuỳ thuộc vào mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Theo đó, lãi suất chúng tôi cho vay sẽ ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường trên thị trường", ông Vượng nói.

MỚI - NÓNG