ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhận định được nêu ra tại lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức sáng 1/8.

Theo VCCI Cần Thơ, về kinh tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020- 2021 là nông nghiệp. Bất chấp dịch bệnh trong năm 2021, khu vực nông nghiệp của ĐBSCL vẫn tăng trưởng mạnh (3,4%), cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Tuy nhiên, một mình ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế ĐBSCL vì hai khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm, ước tính lần lượt là -0,8% và -1,8%.

Trong giai đoạn 2015- 2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình ở ĐBSCL rất cao, lên tới 9,03%/năm, gấp hơn 2 lần so với khu vực công nghiệp (4,39%) và dịch vụ (3,82%). Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất.

ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội lớn ảnh 1

Nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng của ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Việc tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. Mặc dù phát triển nông nghiệp là một tiền đề quan trọng cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ.

Tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu… trong khi đó các ngành công nghiệp chủ lực là công nghiệp chế biến phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu.

Báo cáo lần đầu năm 2020 đã chỉ ra kinh tế ĐBSCL đang giảm dần và các mô hình kinh tế đã “tới hạn” cũng như nhiều hạn chế khác đã kiềm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Báo cáo năm nay một lần nữa chỉ ra, lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước.

Năm 2020, tăng trưởng GRDP vùng ĐBSCL chỉ đạt 2,42%. Sang năm 2021, kinh tế vùng càng trở nên trầm trọng bởi tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, hoặc đóng cửa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy; 11.500 DN tạm ngưng hoạt động và phá sản, cao hơn số DN thành lập mới.

“Chúng ta cũng đã chứng kiến một cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử với hơn nửa triệu lao động trở về tránh dịch… làm cho kinh tế xã hội vùng bị đảo lộn, những khó khăn đã tác động đến tăng trưởng kinh tế vùng, âm 0,43% năm 2021, thấp nhất trong lịch sử phát triển của ĐBSCL”- Chủ tịch VCCI cho biết.

ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội lớn ảnh 2

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, dù đứng trước nhiều thách thức, nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, ĐBSCL đang có cơ hội mới để phát triển. Chính phủ cũng vừa phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 2/2022 và công bố vào tháng 6 vừa qua.

Bản quy hoạch là cơ sở để quy hoạch và định hình lại quá trình sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội ĐBSCL trên cơ sở phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả, phát triển từ phân tán sang tập trung, tăng cường liên kết ĐBSCL với TPHCM và Đông Nam Bộ…

Với quy hoạch vùng đã được ban hành, 13 tỉnh/thành ĐBSCL đang phải thiết lập lại quy hoạch, xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh cho phù hợp bối cảnh toàn vùng, cùng nhau nhận diện các thách thức, hạn chế để tìm tiếng nói chung…

“Từ Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022, VCCI muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các DN trong và ngoài nước thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững” - Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam, dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của Trường Chính sách công và quản lý Fullbright.

Đây là lần thứ hai báo cáo được thực hiện nghiên cứu trên một vùng kinh tế trong bối cảnh ĐBSCL đang đứng trước những thách thức bước ngoặt và được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và cộng đồng quốc tế.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".