Những kết luận rút ra từ hơn ba thập kỷ qua ở Đồng bằng sông Cửu Long

TPO - Lần đầu tiên có một báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL, cũng là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước. Những kết luận rút ra từ hơn 3 thập kỷ qua cho thấy, mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình…

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, ngày 14/12 tới, tại Cần Thơ, VCCI sẽ tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn 1 năm thực hiện.

Báo cáo lần đầu tiên được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam dưới sự chủ trì, điều phối của VCCI và chịu trách nhiệm chuyên môn của FSPPM. Đây là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước và ĐBSCL được chọn như là một điển hình về tính liên kết, sự nhất quán để hướng đến hình thành một thiết chế vùng kinh tế trong tương lai.

Những kết luận rút ra từ hơn ba thập kỷ qua ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1 Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL cũng là báo cáo nghiên cứu trên phạm vi vùng kinh tế đầu tiên trong cả nước.

Nội dung báo cáo bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: tổng quan nền kinh tế Việt Nam; nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, của các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics.

Từ những phân tích trên, báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới.

Những kết luận rút ra từ nghiên cứu này là hơn 3 thập kỷ qua, mô hình kinh tế truyền thống tập trung vào sản xuất nông nghiệp thay vì kinh tế nông nghiệp, số lượng thay vì chất lượng, manh mún hơn là tích tụ ruộng đất, phân mảnh thay vì liên kết thành chuỗi cung ứng... Mặc dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình.

Từ những kết luận và tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, báo cáo nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế ĐBSCL với 15 luận điểm được thiết lập mang đến cho độc giả những góc nhìn mới để định hình lại câu chuyện phát triển kinh tế ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu nhận được sự phản biện sâu sắc của các chuyên gia độc lập, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đầu ngành, các viện, trường chuyên nghiên cứu các vấn đề về kinh tế và chính sách tại ĐBSCL.

Theo VCCI, báo cáo đã được hoàn thiện và ra mắt vào thời điểm vô cùng quan trọng của đất nước, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng với nhiều hiệp định thương mại toàn cầu có hiệu lực và nền kinh tế đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức chưa bao giờ có trong quá trình phát triển.

Báo cáo được kỳ vọng là tài liệu hữu ích giúp chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương sử dụng trong điều hành, hoạch định chính sách. Đồng thời, tham vấn cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng định hướng phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.