ĐBQH: Xử nghiêm người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam

ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Như Ý
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Như Ý
TPO - “Phải xử lý nghiêm những tội phạm nước ngoài để họ biết Việt Nam là một quốc gia có chủ, là đất nước có kỷ cương, pháp luật”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí nêu.

Chiều ngày 4/11, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong trong container ở Anh. Qua vụ việc, ông Hiển đề xuất biện pháp ngăn chặn tội phạm vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động.

Theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, thực tiễn cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu lao động vẫn còn nhiều bát cập. Cụ thể, trong đó là thông tin xuất khẩu lao động nhiễu loạn, dẫn đến người dân thiếu thông tin chính xác; không minh bạch trong việc cấp đổi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động...

"Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu lao động ở các địa phương là rất lớn. Điều đó dẫn đến hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội. Trong đó, đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân lừa đảo đưa người ra nước ngoài trách phép", ông Hiển nói.

Trước tình hình trên, đại biểu Hiển đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương rà soát, đưa các giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, nhất là công tác cấp phép đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân.

Đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị cơ quan điều tra hải quan tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan của nước ngoài để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong việc đưa người xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, theo đại biểu các đơn vị liên quan cũng phải đặc biệt chú ý trong việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ các hành vi đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp là một trong các tội phạm hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, nhân dân quan ngại về hoạt động phạm pháp của người Trung Quốc tại Việt Nam. Ông Trí nêu hàng loạt thông tin trên báo chí về hoạt động phạm pháp của người Trung Quốc ở Việt Nam như tại khu đô thị ở Hải Phòng phát hiện 380 người Trung Quốc tập trung điều hành đánh bạc qua mạng với số tiền giao dịch lên đến 10 nghìn tỷ đồng; thuê xưởng sản xuất ma túy quy mô lớn tại Kon Tum, thu giữ 13 tấn hóa chất tiền chất ma túy; người Trung Quốc thuê trẻ em đóng phim người lớn tại Đà Nẵng....

Ông Trí cũng nêu, xuất hiện tình trạng người Trung Quốc cho vay nặng lãi tại TP HCM; thuê khách sạn thực hiện các hoạt động thao túng chứng khoán; đánh cắp thông tin thẻ ATM; mượn danh để mua gom đất dọc bờ tường sân bay Nội Bài; người Trung Quốc là hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử; người Trung Quốc vào Việt Nam mặc áo có đường lưỡi bò, lưu hành chui sách vở, phim ảnh có đường lưỡi bò...

“Như vậy, người Trung Quốc vi phạm pháp luật từ nhẹ đến nặng, thậm chí rất nặng, đủ mọi hình thức, ở mọi lĩnh vực, từ kinh tế, an ninh, trật tự trị an, chính trị, tài liệu bịa đặt.. Tại sao lại để người Trung Quốc sang Việt Nam vi phạm đến như vậy. Tôi biết các cơ quan pháp luật ở Việt Nam đã có những hoạt động để ngăn chặn bao gồm cả việc phối hợp với công an Trung Quốc để giải quyết. Tuy nhiên vẫn không hết, vẫn còn nhiều, vẫn có thêm, càng ngày càng phức tạp hơn”, ông Trí nói.

Ông Trí cho rằng, nhân dân đề nghị các cơ quan pháp luật của Việt Nam nghiêm khắc hơn nữa, phát động nhân dân và chính quyền các cấp vào cuộc, đồng thời phối hợp với các cơ quan pháp luật nước bạn để giải quyết tốt tình trạng này. “Phải xử lý nghiêm những tội phạm nước ngoài để họ biết Việt Nam là một quốc gia có chủ, là đất nước có kỷ cương, pháp luật”, ông Trí nói.

Vị ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho rằng, có thể nói các loại tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc gây ra ở nước ta là khá mới, rất phức tạp.

“Đề nghị các cơ quan pháp luật vào cuộc để giải quyết thật tốt loại tội phạm mới, khá mới hoặc có từ lâu bây giờ mới rộ lên, để lại hậu quả rất đau lòng và trên diện rộng như tội mua bán người, buôn người xuyên quốc gia mà vừa qua đã gây ra cái chết của mấy chục người ở Anh”, ông Trí nói thêm.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.