ĐB Quốc hội: Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước tại các DNNN . Ảnh: T.L |
Làm rõ mối liên hệ giữa cơ quan lập pháp - hành pháp và tư pháp
Theo UBTVQH, trong định hướng 2011-2020 về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cần tổ chức tổng kết toàn diện việc thi hành Hiến pháp 1992. Tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa chủ trương của Đảng về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước về tay nhân dân”.
Ngoài ra, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn cũng như mối liên hệ giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình phù hợp hơn. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Luật hóa quyền cơ bản Nguồn: Báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết thực hiện NQ 48-UBTVQH |
UBTVQH cho rằng cần xác định rõ hơn quyền, trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng của nguyên thủ quốc gia. Đối với Chính phủ, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt từ trung ương xuống địa phương.
UBTVQH đòi hỏi, “tổ chức tinh gọn, hợp lý, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ; nâng cao năng lực dự báo ứng phó và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quản lý nhà nước; khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò của Chính phủ trong việc khởi xướng, hoạch định chính sách, quản lý, điều hành vĩ mô”.
“Để làm được điều đó, cần xác định rõ và luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Xác định rõ hơn trách nhiệm của tập thể Chính phủ, trách nhiệm của cá nhân Thủ tướng và của từng thành viên Chính phủ” - Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Cùng đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực để phương châm có lên, có xuống, có vào, có ra được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ”.
Công nghệ hiện đại nhưng biên chế vẫn tăng
Đánh giá việc thực hiện NQ 48, UBTVQH cho rằng việc xây dựng thể chế, tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hành chính được tiếp tục hoàn thiện.
Một số ý kiến tán thành quan điểm của UBTVQH, theo đó đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công. Kiên quyết xóa bỏ chế độ chủ quản của các cơ quan hành chính đối với các tổ chức kinh tế. “Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước tại các DN nhà nước, tránh việc can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình.
Nhìn ở góc độ khác, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lo ngại, biên chế bộ máy hành chính gia tăng, nhưng chất lượng phục vụ chưa tương xứng, cần đặt vấn đề luật hóa biên chế. Vừa qua chúng ta tìm cách nhập các bộ, xây dựng mô hình bộ đa ngành, nhưng bộ máy, tổ chức không thay đổi được gì.
“Đáng lẽ, công nghệ hiện đại thì biên chế giảm, nhưng đâu đâu cũng đòi tăng biên chế, tăng lương. 70% nông dân làm sao nuôi nổi bộ máy của chúng ta?”- Ông Vượng nói.
* Chiều cùng ngày, UBTV QH thảo luận cho ý kiến về Luật kiểm toán độc lập.