Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Các kỹ sư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trên giàn khoan Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái
Các kỹ sư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trên giàn khoan Bạch Hổ. Ảnh: Hà Thái
TP - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vai trò quan trọng và nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tái cơ cấu DNNN hiện nay giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN, hình thành các DNNN vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Có được thành công đó, không thể không nói đến vai trò của các bí thư chi bộ tiêu biểu trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu DNNN.

Xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả


Sau gần 3 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã ra Kết luận số 13 KL/ĐUK, ngày 3/1/2014 của BTV Đảng ủy Khối về tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối; Nghị quyết số 08-NQ/ĐUK ngày 8/4/2014 của BTV Đảng ủy Khối về “Đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”, tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. 

Từ năm 2011 đến nay, toàn bộ 28 đơn vị trong Đảng bộ Khối đều đã hoàn thành xây dựng đề án, trong đó có 19 đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 9 đề án do các bộ chủ quản phê duyệt. Đến nay, có 5 công ty mẹ đã cổ phần hóa: Bảo Việt, Xăng dầu, Thép, Dệt may, Hàng không. Năm 2015 cần cổ phần hóa 5 công ty mẹ của các đơn vị còn lại là: Hàng hải, Sông Đà, Tàu thủy, HUD, Ximăng. 

Trong 9 tháng đầu năm 2014, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối cổ phần hóa được 14/39 doanh nghiệp cần phải cổ phần hóa trong năm 2014 và thoái vốn được 4.311 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới đều làm ăn hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là một điển hình. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Dầu khí đã khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại một số đơn vị. Bên cạnh đó, Tập đoàn có nhiều biện pháp, hình thức tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới, cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực trong toàn ngành. Kết quả, trong 3 năm, Tập đoàn đã tiết giảm trên 12.050 tỷ đồng. Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Tập đoàn Dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, vững chắc với tổng doanh thu hợp nhất 3 năm ước đạt 1.112,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 16,51%/năm.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau khi cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của Tập đoàn đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2014, EVN tiếp tục thoái vốn thành công tại 2 công ty cổ phần là Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn); Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVN Land Central) và đang thực hiện các bước thoái vốn và giảm vốn tại ABBank, ABS, GIC và EVN Finance theo quy định. Trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, EVN tích cực thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại các Công ty cổ phần với tổng số tiền thu được là 701.255 triệu đồng. 

Theo ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, cổ phần hóa là cơ hội để Vietnam Airlines thay đổi chính mình, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của Tổng Công ty không chỉ hiện tại mà cả các nguồn lực đầu tư trong tương lai. Tháng 11/2014, Vietnam Airlines chào bán gần 49 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 3,475% vốn điều lệ, giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần. Dự kiến, đơn vị này tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên vào cuối quý 4/2015. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại lớn như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công Thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sau khi cổ phần hóa đều đã quản lý tốt hơn, lợi nhuận thu về và các khoản nộp ngân sách Nhà nước lớn hơn so với trước khi cổ phần hóa.

Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy

Nhằm tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định rõ trong Đề án tái cơ cấu DNNN, ngày 13/12, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Lễ tuyên dương 244 bí thư chi bộ tiêu biểu đại diện cho gần 80 nghìn đảng viên thuộc các chi đảng bộ trong toàn Khối đã có thành tích xuất sắc trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu DNNN. Việc tuyên dương bí thư chi bộ tiêu biểu nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đồng thời tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các năm 2014 và 2015, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành. 

Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, khẳng định: Hầu hết DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động có hiệu quả hơn với các chỉ tiêu về tài chính, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, vốn điều lệ đều tăng. Mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng tại DNNN được đổi mới phù hợp hơn với điều kiện doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường

Từ nhận thức này, các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã chủ động trong vấn đề tái cơ cấu và bước đầu triển khai có hiệu quả, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu DNNN và công tác xây dựng Đảng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Văn Cường, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, thời gian tới, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng nhà nước cần bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành và các ban chỉ đạo, đặc biệt là Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khối tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cũng như rà soát, bổ sung, hoàn thiện đề án tái cơ cấu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, doanh nghiệp thông qua các việc làm cụ thể, thiết thực trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu DNNN và công tác xây dựng Đảng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong doanh nghiệp. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.