Đẩy mạnh liên kết chuỗi, giảm 20% vụ vi phạm lâm nghiệp

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết sẽ xem xét công tác cán bộ, nếu không đạt được chỉ tiêu về giảm số vụ vi phạm và thiệt hại do xâm hại rừng. Ảnh: Phạm Anh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết sẽ xem xét công tác cán bộ, nếu không đạt được chỉ tiêu về giảm số vụ vi phạm và thiệt hại do xâm hại rừng. Ảnh: Phạm Anh.
TPO - Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn cho biết, thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ tăng liên kết chuỗi, nỗ lực tháo gỡ thị trường. Đặt mục tiêu giảm mạnh về số vụ vi phạm và thiệt hại do xâm hại rừng.

Xem xét công tác cán bộ, nếu phá rừng không giảm

Thứ trưởng Tuấn cho biết, năm 2016 là năm ngành Lâm nghiệp về đích khá thành công, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%, kim ngạch xuất khẩu dù nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng dương, đạt khoảng 7,3 tỷ USD.

Các chỉ tiêu về bảo vệ, phát triển rừng có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần tập trung có giải pháp cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của ngành thời gian qua. Đây cũng là thách thức rất lớn với những mục tiêu trong đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Những thách thức của ngành Lâm nghiệp tới đây là gì, thưa ông?

Về mặt khách quan, những tác động của thời tiết cực đoan rất rõ. Năm 2016, rét đậm rét hại, khô hạn, mưa lũ không chỉ gây thiệt hại cho trồng trọt, chăn nuôi, mà còn gây thiệt hại lớn cho rừng và ngành lâm nghiệp.

Cùng đó, sản xuất lâm nghiệp cũng phải tuân theo chuỗi, thích ứng với những điều kiện của thị trường; đảm bảo nguồn gỗ trong nước cũng như xuất khẩu theo chu trình quản lý có nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Mặt khác, trong điều kiện nguồn ngân sách còn khó khăn, để thực hiện thành công chương trình mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng không thể nhìn hết vào vốn ngân sách, mà có cơ chế để thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư vào nông, lâm nghiệp.

Hiện nguồn vốn xã hội đầu tư vào Lâm nghiệp chiếm khoảng 73%, tuy nhiên, còn nhiều dư địa để thu thút đầu tư vẫn còn lớn. Còn kinh phí nhà nước để đầu tư vào rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Việc Việt Nam kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, rõ ràng sẽ tạo áp lực lên vấn đề bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp quyết tâm đặt mục tiêu năm 2017 sẽ giảm 20% số vụ vi phạm và giảm 50% thiệt hại do hành vi xâm hại rừng trái pháp luật gây ra. Nếu không đạt được mục tiêu này, coi như công tác bảo vệ rừng không thành công, và chắc chắn sẽ có giải pháp về công tác tổ chức cán bộ.

Một khó khăn nữa, chính là thực hiện việc trồng rừng thay thế, hiện cả nước mới chỉ đạt 55%. Dẫu vậy, điều mừng là trong 55% đó, các đơn vị như thủy điện đã trồng rừng trong năm 2016 này đạt hơn 90%, phần còn lại họ đã nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Về mặt nghĩa vụ, trách nhiệm là họ đã hoàn thành.

Tuy nhiên, trồng rừng thay thế với diện tích rừng đã đầu tư bằng vốn ngân sách đến nay rất khó khăn. Chúng tôi không đồng tình việc giảm chỉ tiêu về trồng rừng, mà phải bằng các giải pháp sáng tạo hơn, vận dụng cơ chế hỗ trợ, làm sao vốn ngân sách từng đó, nhưng phải hoàn thành được nhiệm vụ trồng rừng thay thế.

Chẳng hạn, nếu trồng 1 ha rừng thay thế mất 30-50 triệu đồng/ha, với ngân sách là con số rất lớn. Tuy nhiên, nếu vận dụng cơ chế hỗ trợ, thừa nhận hỗ trợ đó cho người dân, cộng đồng để họ trồng rừng thì chỉ mất khoảng 10 triệu đồng/ha. Đây là vấn đề là cơ chế, và tới đây, Bộ sẽ có đề nghị lên Chính phủ xem xét.

Đẩy mạnh liên kết chuỗi lâm nghiệp

Quá trình tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đến nay có những vấn đề gì vướng mắc?

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, là phải thực hiện ngay việc sắp xếp trên thực tiễn với 134 công ty lâm nghiệp mà Thủ tướng đã phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp. Đây là vấn đề khó khăn đối với lâm nghiệp vì cần thực hiện đồng bộ trên địa bàn, cả quản lý được đất đai, quản lý được tài nguyên rừng.

Nếu chỉ có việc sắp xếp riêng các công ty lâm nghiệp, mà để diện tích rừng, đất còn lại để nó thành vô chủ sẽ bị xâm lấn. Nên ngành lâm nghiệp chủ trì đã đành, cần sự vào cuộc đồng bộ của địa phương. Bài học trong thời gian qua về vấn đề này là rất rõ.

Hiện Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, theo hướng điều chỉnh các hành vi xã hội theo chuỗi ngành lâm nghiệp, từ trồng rừng, sản xuất, kinh doanh, thị trường. Chúng tôi mong muốn được sự đồng tình, trên cơ sở quản lý theo chuỗi đó, chúng ta có Luật Lâm nghiệp mới.

Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung những giải pháp gì để giúp ngành tăng trưởng bền vững?

Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng tự nhiên và đây là đề xuất của Bộ NN&PTNT, nên chúng tôi phải cương quyết thực hiện. Như vậy, sẽ phải rà soát toàn bộ các dự án hiện đang sử dụng rừng và đất lâm nghiệp; vận động các đơn vị đang khai thác rừng tự nhiên, có giải pháp hỗ trợ họ.

Mặt khác, tập trung tái cái cơ cấu, trong đó có 4 nội dung lớn.

Trước hết phải quản lý về giống cây lâm nghiệp; chuyển rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và đây giải pháp ưu tiên. Trong chế biến, một mặt chúng ta đẩy mạnh chế biến sau dăm, để giảm tỷ trọng dăm xuất khẩu và năm 2016 thấy rõ nét điều này.

Do vậy, thời gian tới, lại tiếp tục đầu tư công nghệ mới để phát triển công nghiệp MDF, công nghệ viên nén, đưa công nghệ có thể xẻ gỗ có đường kính 18-20 cm có thể dùng để biến gỗ ghép…

Cùng đó, cần rà soát, không để lợi dụng chính sách thuế tạm nhập tái xuất làm cho chúng ta có thể có tăng trưởng bong bóng về thành tích, nhưng ngân sách không có lợi nhiều, đặc biệt có thể dẫn đến rủi ro về thương mại.

Thứ ba là tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi. Trước hết, có cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh, chế biến liên kết với chủ rừng, theo mô hình quản lý rừng bền vừng. Cùng đó, thực hiện rất mạnh mẽ việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, hiện đang quản lý khoảng 1,8 triệu ha rừng cần sắp xếp, theo tinh thần Nghị định 118 của Chính phủ.

Thứ tư là giải pháp về thị trường, trong đó đẩy mạnh thị trường trong nước. Hiện giá trị trong nước tiêu hàng hóa lâm nghiệp khoảng 7 tỷ USD, do vậy cần hình thành chuỗi cung trong nước.

Chúng tôi đã đề nghị và Thủ tướng đã đồng ý, cho phép hình thành ba cụm ở ba miền Bắc-Trung-Nam khu công nghệ cao về lâm nghiệp. Đây là khu sản xuất tập trung cho công nghiệp vụ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, và là trung tâm giới thiệu các sản phẩm.

Tiếp tục hoàn thiện hiệp định đối tác tự nguyện VPA với 28 nước EU, và duy trì mối quan hệ để hài hòa hóa quy trình quản lý gỗ của Việt Nam với ba thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

MỚI - NÓNG