Ngày 22/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014
Trước năm 2004, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai của các nông, lâm trường diễn ra khá phổ biến, nhiều vụ việc tranh chấp diện tích lớn, kéo dài. Theo báo cáo của Chính phủ, có 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm 297.678ha . 24/53 tỉnh, thành phố có tranh chấp đất đai của nông, lâm trường, với diện tích 61.038 ha.
Hiện cả nước có 447 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp. Ở các thời kỳ, các đơn vị này đã được đo, vẽ bản đồ các loại với tổng diện tích 5.942.000 ha, trong đó có 62 tổ chức quản lý diện tích 558.949 ha đã có bản đồ giải thửa được đo vẽ trước năm 1993; kết quả này đến nay hầu như không sử dụng được do đã biến động qua nhiều giai đoạn và không được chỉnh lý, bổ sung. Có 385 tổ chức quản lý diện tích 5.344.631 ha đã có bản đồ địa chính.
Trong số 642 nông, lâm trường, Nhà nước đã thực hiện giao đất với diện tích 7.599.580 ha, chiếm 95,0% tổng diện tích đang quản lý sử dụng. Như vậy, Nhà nước sẽ giao đất không thu tiền cho 526 nông, lâm trường với diện tích 7.124.842 ha. Còn lại 242 nông, lâm trường, đang quản lý sử dụng diện tích 1.981.189 ha, phải chuyển sang diện thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các doanh nghiệp này vẫn chưa được thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc – Trưởng đoàn giám sát Ksor Phước cho biết, qua giám sát thấy rằng, số đơn vị thực hiện đúng các quy định về thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất rất ít. Mới có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472.709 ha; trong đó có 4 nông trường với diện tích 56.045 ha và 48 lâm trường, diện tích 416.664 ha. Có 4 nông, lâm trường chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền, với diện tích 2.029 ha.
“Điều này thể hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách đất đai, chính sách tài chính đất đai và hoạt động của các cấp quản lý và doanh nghiệp nông, lâm nghiệp chưa nghiêm”, ông Ksor Phước nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, các hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật. Tình hình này khá phổ biến tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Hiện cả nước có 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó diện tích có tranh chấp 18.315 ha; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm, với diện tích 59.668 ha; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất, với diện tích 5.034 ha… Tuy nhiên, theo ông Ksor Phước, qua giám sát cho thấy diện tích bị lấn chiếm, tranh chấp ở các địa phương lớn hơn rất nhiều.
Đoàn giám sát cũng cho biết, trước sắp xếp, doanh thu bình quân 1 lâm trường là 3,9 tỷ đồng, số lâm trường kinh doanh có lãi chiếm 72,9% tổng số lâm trường, bình quân tiền lãi 1 lâm trường là 796 triệu đồng. Số lâm trường thua lỗ chiếm 27,1% , bình quân tiền lỗ của một lâm trường là 331 triệu đồng.
Sau khi sắp xếp, năm 2011, doanh thu bình quân một công ty lâm nghiệp là 17,2 tỷ đồng, số đơn vị có lãi chiếm 77,8% tổng số công ty lâm nghiệp, số đơn vị thua lỗ chiếm 22,2 % tổng số công ty lâm nghiệp, bình quân tiền lỗ một công ty lâm nghiệp là 766,6 triệu đồng. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp tiếp tục có sự biến động và nhiều công ty lâm nghiệp hoạt động ngày càng khó khăn hơn
Theo đoàn giám sát, nguyên nhân dẫn đến những bất cập kể trên do việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây không có hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ pháp lý đầy đủ, chính xác, thực hiện thiếu chặt chẽ, không cụ thể; không được đo đạc, xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa; nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, dẫn đến giao đất chồng lấn lên đất của nhiều tổ chức, các nhân khác đang sử dụng, đặc biệt là tại địa bàn của các công ty lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên…
Trước thực trạng này, đoàn giám sát kiến nghị tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết, nhằm sớm khắc phục những bất cập, tồn tại, bảo đảm việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng theo đúng các quy định của pháp luật.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ chính trị và Quốc hội về khả năng không hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc giới thực địa, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp trong năm 2015.