Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Dạy lịch sử đừng nhồi nhét kiến thức

Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
TPO - Xung quanh việc nhiều thí sinh không dự thi môn Sử, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không phải do các em ham thích hay không ham thích môn lịch sử, vấn đề đầu tiên là các em thấy khó vượt qua. Vấn đề này có thể xuất phát từ việc giảng dạy môn Sử.

Theo ông Dương Trung Quốc, trong giảng dạy, thầy cô giáo có thể liên hệ, tạo ra tư duy lịch sử liên hệ với hiện nay, chứ đừng nhồi nhét vào bất cứ chuyện gì. Ví dụ vấn đề biển Đông đang nóng, không thể nhét câu chuyện ngày hôm nay vào mà phải nói rằng ông cha ta đã tiếp cận biển Đông như thế nào, khai thác như thế nào, điều đó có thể liên hệ với ngày hôm nay. Dạy lịch sử là một nghệ thuật không phải nhồi nhét kiến thức.

“Việc ít học sinh đăng ký thi môn sử phản ánh việc dạy và học môn sử có vấn đề và cũng có thể phản ánh sự e ngại của các em”, Nhà sử học, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định như vậy với Tiền phong bên hành lang Quốc hội, ngày 4/6.

Là Nhà sử học, ông có lý giải gì việc ít học sinh lực chọn thi môn lịch sử, có hội đồng chỉ có 01 em và có trường không có em nào?

Đăng ký dự thi phải tìm sự bảo đảm cho các em, cho nên sự lựa chọn đó có thể nói là mang tính chất thực dụng, thực tế, là điều rất chính đáng. Nhưng cũng đừng vội lấy một hai trường hợp đó để mà quy kết chuyện khác. Không phải là ham thích hay không ham thích môn lịch sử, vấn đề đầu tiên là các em thấy khó vượt qua. Vấn đề này có thể xuất phát từ việc giảng dạy môn sử. Dường như chúng ta đang muốn nhắc đến bối cảnh hiện nay, lấy việc học sử để thể hiện lòng yêu nước. Đề thi sử vừa rồi đã được xã hội, những trong nghề chúng tôi quan tâm. Đó cũng là một cách làm thay đổi dần dần từng bước quan niệm về học lịch sử. Nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa, nói rằng học sinh không học sử là không thể hiện lòng yêu nước.

Trách nhiệm của người lớn phải làm cho các em yêu thích môn sử hơn và chúng ta phải cố gắng cải thiện?

Hệ thống chương trình phải thay đổi hết sức căn bản, thay đối cách dạy sử, nhưng gần như là chúng ta không quan tâm đến đặc thù của môn này. Học sử khác với học các môn học khác. Học sử là câu chuyện cả đời, chứ không chỉ dừng lại ở học các nội dung ở trong nhà trường. Trong nhà trường chỉ trang bị một số kiến thức hết sức cơ bản thôi.

Theo ông cần phải thay đổi phương pháp dạy môn lịch sử từ đâu?

'Không nên tuyệt đối hóa, nói rằng học sinh không học sử là không thể hiện lòng yêu nước'

Ông Dương Trung Quốc

Việc đầu tiên tôi nghĩ, phải xem lại chương trình. Quan niệm học sử không phải là nhồi nhét kiến thức và làm khổ sai trí nhớ, học sử chỉ là phương pháp tư duy. Nói đơn giản là “lấy xưa nói nay”, “ôn cố nhi tri tân”. Sức hấp dẫn của lịch sử không phải là những con số mà chính là những bài học ngụ ngôn. Chúng ta nên thay đổi quan niệm, thoát ra khỏi nhận thức là gắn môn lịch sử với chính trị một cách máy móc, vì điều đó sẽ làm cho môn lịch sử thiếu hấp dẫn.

Có ý kiến cho rằng, học sử, các em sẽ kho xin việc sau này, đó là lý do các em từ bỏ môn sử?

Phải ủng hộ các em, đừng bảo các em phải tỏ lòng yêu nước, thỏa mãn một điều gì đó ở chúng ta mà đòi hỏi các em phải chọn một sự rủi ro. Các em phải dựa vào nhu cầu việc làm và đời sống của các em. Ở các nước, học sử quan trọng nhất là trang bị nhận thức căn bản, rất kinh điển. Trên nền tảng đó, các em chọn một nghề nghiệp có liên quan, hơn là việc đi ra hành nghề sử như cô giáo dạy sử, hay nghề nghiên cứu về sử.

Có những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước xảy ra gần đây, nhưng sách giáo khoa lịch sử lại bỏ qua, có lúc còn viết sai, thưa ông?

Sách lịch sử không thể phản ánh tính thời sự được, chúng ta đang mắc phải chuyện đó. Nó phải có độ lùi và sự đúc kết. Nhưng trong giảng dạy, thầy cô giáo có thể liên hệ, tạo ra tư duy lịch sử liên hệ với hiện nay, chứ đừng nhồi nhét vào bất cứ chuyện gì. Ví dụ vấn đề biển Đông đang nóng, không thể nhét câu chuyện ngày hôm nay vào mà phải nói rằng ông cha ta đã tiếp cận biển Đông như thế nào, khai thác như thế nào, điều đó có thể liên hệ với ngày hôm nay. Dạy lịch sử là một nghệ thuật không phải nhồi nhét kiến thức.

Vậy ông có cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần sớm thay đổi giáo trình lịch sử cho phù hợp hơn?

Đó là điều đương nhiên, nhưng trước khi thay đổi sách giáo khoa, phải xác định học cái gì, học như thế nào. Cộng vào đó việc giảng dạy, học tập, thi cử và những giá trị ngoài xã hội như thế nào thì điều đó mới là quan trọng.

Cảm ơn ông !

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.