Năm 2015, tổng doanh thu từ hoạt động đầu tư quốc tế của Viettel tăng 9%, đạt gần 1,5 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, theo số liệu của OVUM (hãng nghiên cứu và phân tích thị trường hàng đầu thế giới, trụ sở chính tại Anh), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành này trên thế giới là 2,3% (chỉ bằng ¼ so với Viettel).
Nếu so với các tập đoàn viễn thông nước ngoài lớn cùng kinh doanh tại các thị trường quốc tế, Viettel cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Tập đoàn Vodacom, đối thủ của Viettel tại nhiều thị trường, với quy mô và nhiều năm kinh nghiệm về viễn thông, nhưng tổng doanh thu năm 2015 chỉ tăng 2,1%. Về thuê bao, Vodacom có mức tăng 7,2%, chỉ bằng 1/4 so với mức tăng trưởng 27% của Viettel Global năm 2015.
Cũng trong năm 2015, Viettel khai trương 3 thị trường lớn tại châu Phi là Cameroon, Burundi và Tanzania. Ba thị trường này chiếm 3/4 thị trường châu Phi hiện có của Viettel, với hơn 80 triệu dân, gấp 3 lần so với thị trường châu Phi trước đây của Viettel là Mozambique. Việc mở rộng thị trường này đã nâng quy mô thị trường của Viettel lên 10 nước với 270 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, chiến lược tập trung nhanh chóng nâng quy mô thị trường của Viettel là hợp lý trong thời điểm này, khi tập đoàn Việt Nam bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ ra thị trường quốc tế. Với viễn thông hay các ngành hàng bán lẻ nói chung, lợi thế quy mô thị trường là điều kiện quyết định thành công.
Trước đây tại Việt Nam, Viettel đã thành công với chiến lược đầu tư mạnh, mở rộng vùng phủ ngay từ giai đoạn đầu để nhanh chóng trở thành nhà mạng dẫn đầu. Ngoài ra, đối với định hướng mở rộng Nghiên cứu sản xuất thiết bị cũng như đưa các ứng dụng CNTT vào viễn thông, quy mô thị trường cũng đem lại những lợi thế lớn cho Viettel.
Tuy nhiên, việc khai trương 3 thị trường mới dồn dập trong năm 2015 và cuối 2014 đã khiến chi phí của Viettel tại khu vực châu Phi tăng từ 50 triệu USD năm 2014 lên 230 triệu USD, tương đương 5.000 tỷ đồng (gấp 4,5 lần). Trong khi đó, do mới khai thác, các thị này vừa đi vào hoạt động nên chưa đem lại doanh thu lớn đủ đề bù chi phí, không đem lại lợi nhuận cho các thị trường châu Phi. Thông thường một dự án viễn thông phải có 5-7 năm mới đem lại lợi nhuận.
Điều này cũng lý giải vì sao lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài năm 2015 của Viettel không đạt như kỳ vọng. Lãi sau thuế từ mảng kinh doanh này ở mức 500 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận ở các châu lục (trừ châu Phi) đều đạt: 1.235 tỷ đồng (châu Á) và 213 tỷ (châu Mỹ). Đặc biệt thị trường châu Mỹ, sau 5 năm kinh doanh đã chuyển từ lỗ 87 tỷ sang lãi 213 tỷ năm 2015.
Ngoài ra, biến động tỷ giá tại các thị trường cũng gây ảnh hưởng chung tới các nhà mạng trên thế giới, làm phát sinh chi phí đột biến với Viettel. Đặc biệt, chênh lệch tỷ giá chiếm tới 32% tổng chi phí Viettel tại châu Phi. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ghi nhận trong báo cáo, do quy đổi tỉ giá tại thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, các hoạt động kinh doanh của Viettel tại châu Phi chủ yếu đều tính bằng đồng nội tệ và đạt tăng trưởng tốt. Tốc độ phát triển khách hàng tại các thị trường mới ở châu Phi có những tín hiệu đặc biệt khả quan.
Chỉ sau 3 tháng kinh doanh, Halotel (thương hiệu của Viettel tại Tanzania) đã có hơn 1 triệu khách hàng – tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel. Tại Burundi, thương hiệu Lumitel của Viettel mất 6 tháng để đạt 1 triệu khách hàng và tới tháng 3/2016 thì chính thức chiếm vị trí số 1 về thị phần di động tại quốc gia này với 1,6 triệu người dùng.