Trước khi gia nhập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Đinh Hữu Công làm việc tại một công ty về an ninh mạng. Cuối năm 2011, sau một thời gian làm phần mềm tại Viettel, Công quay lại lĩnh vực cũ khi tập đoàn này bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý, giám sát an toàn thông tin với việc thành lập Trung tâm an ninh mạng.
“Nhìn bên ngoài thì tưởng việc cũ nhưng thực tế công việc ở Viettel rất khác. Chúng tôi xây dựng và tìm kiếm các giải pháp quản lý, giám sát từ bên trong với hệ thống đặc thù, còn trước đây là tư vấn, khuyến nghị về an ninh mạng nói chung từ góc nhìn bên ngoài.
Thêm vào đó, hạ tầng viễn thông cũng như CNTT của Viettel rất rộng nên khối lượng công việc lớn”, Trưởng phòng Trung tâm An ninh mạng Viettel chia sẻ.Khi tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho hệ thống quản lý, giám sát an toàn thông tin của Viettel, Đinh Hữu Công và đồng nghiệp nhiều lần cảm thấy bế tắc nhưng họ không bỏ cuộc.
Trước khi gia nhập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Đinh Hữu Công làm việc tại một công ty về an ninh mạng. Cuối năm 2011, sau một thời gian làm phần mềm tại Viettel, Công quay lại lĩnh vực cũ khi tập đoàn này bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý, giám sát an toàn thông tin với việc thành lập Trung tâm an ninh mạng.
“Nhìn bên ngoài thì tưởng việc cũ nhưng thực tế công việc ở Viettel rất khác. Chúng tôi xây dựng và tìm kiếm các giải pháp quản lý, giám sát từ bên trong với hệ thống đặc thù, còn trước đây là tư vấn, khuyến nghị về an ninh mạng nói chung từ góc nhìn bên ngoài.
Thêm vào đó, hạ tầng viễn thông cũng như CNTT của Viettel rất rộng nên khối lượng công việc lớn”, Trưởng phòng Trung tâm An ninh mạng Viettel chia sẻ.
Tại Việt Nam, việc xử lý vấn đề an ninh mạng chủ yếu là theo tình huống, khi gặp sự cố, các chuyên gia mới tìm phương án vá lỗi và tăng phòng ngừa. Những công ty chủ động xây dựng hệ thống quản lý, giám sát an toàn thông tin không nhiều. Nguyên nhân là hầu hết công ty không nhìn thấy lợi ích trực tiếp trong khi phải đầu tư không nhỏ về thời gian, tiền bạc và cả người làm công nghệ thông tin giỏi vào đó.
Với Viettel, câu chuyện lại khác. Một tập đoàn đa quốc gia quản lý hạ tầng viễn thông và CNTT với hàng chục triệu khách hàng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới (cuối năm 2015 là 10 quốc gia) không thể để vấn đề an toàn thông tin được xử lý theo tình huống.
Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống an ninh mạng đặc thù trong điều kiện Viettel như nhiều môi trường, quy trình và nền tảng… khác nhau, trải rộng ở nhiều quốc gia rất phức tạp, ít người nghĩ có khả năng thành công.
Phương án đầu tư một khoản tiền lớn mua giải pháp từ nước ngoài cũng được tính tới nhưng có nhược điểm lớn là không đáp ứng được yêu cầu về tốc độ thay đổi liên tục của Viettel. Bên cạnh đó, giải pháp an ninh mạng mua ngoài không đáp ứng được yêu cầu quan trọng về làm chủ công nghệ cũng như bảo mật tối đa cho hệ thống đặc thù như Viettel.
Trong bối cảnh đó, Đinh Hữu Công và các đồng nghiệp tại Trung tâm an ninh mạng nhận nhiệm vụ với tư tưởng “đón nhận thách thức lớn”. “Trên thực tế, trong hơn 1 năm triển khai dự án này, rất nhiều lần chúng tôi gặp các vấn đề rất khó về kỹ thuật và cảm giác là chỉ có 5-10% cơ hội thành công. Nhưng khi kiên trì thử nhiều lần thì cũng tìm ra giải pháp và luôn cố gắng ở đoạn 5% cuối cùng đó là bài học quan trọng mà chúng tôi rút ra từ dự án này”, Công chia sẻ.
Trên thực tế, khoảng cách 5% cuối cùng mà Công và đồng nghiệp luôn cố gắng thường là đoạn khó nhất trong mọi dự án. Cũng vì thế, nhiều người dù đã làm được 95% công việc nhưng không vượt qua được 5% cuối cùng bởi thiếu sự bền bỉ, kiên trì. Họ bỏ cuộc khi đã đi được hầu hết chặng đường.
Trong khi đó, với những người như Công và đồng đội, họ sẵn sàng vật lộn với 5% cơ hội để tìm bằng được ánh sáng cuối đường hầm và có khi lời giải đến từ một câu nói của ai đó tình cờ gặp khi mọi việc tưởng bế tắc hoàn toàn.
Thanh niên còn độc thân này bổ sung, một bài học quan trọng khác mà cả đội rất tâm đắc là mỗi người đều cố gắng “làm trùm lên” phần còn trống trong hệ thống công việc chung.
Trưởng phòng Trung tâm An ninh mạng Viettel giải thích: “Dự án được chia làm nhiều công việc nhỏ cần hoàn thành nối tiếp nhưng giữa những phần việc đó sẽ có nhiều khoảng trống không thuộc nhiệm vụ của ai. Nếu mọi người trong đội không tự giác cùng nhau phủ hết những phần trống dù chưa được phân công thì dự án không thể triển khai nhanh được và sức mạnh giảm đi đáng kể…”.
Sau hơn 1 năm làm việc không kể ngày đêm, Công và đồng nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai Trung tâm giám sát (SIRC) cảnh báo, xử lý an toàn thông tin (ATTT) và phản ứng trên không gian mạng đặt tại Công ty mạng lưới Viettel (VTNET). Đây là tập hợp của bộ 10 giải pháp ATTT đi kèm với bộ quy trình hỗ trợ xử lý tương tự chuẩn GNOC (Global Network Operation Center).
Trung tâm này cho phép đo lường mức độ an toàn và giám sát được vấn đề ATTT của các hệ thống nhằm đánh giá chính xác vấn đề ATTT trên toàn bộ mạng lưới (cho hơn 3.000 máy chủ của Viettel tại 10 quốc gia) - điều trước đây không thể thực hiện được.
Đinh Hữu Công cho biết, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát ATTT cho toàn Viettel là một dự án mở và cần phát triển không ngừng để đáp ứng với nhu cầu mở rộng liên tục về mạng lưới, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, một mục tiêu quan trọng khác mà Công mong ước là có thể thương mại hóa giải pháp quản trị, giám sát ATTT cho những công ty khác tại Việt Nam vào năm 2018-2020.
“Nếu làm được điều này, dự án của chúng tôi mới gọi là thành công”, Công tâm sự.