Kiểm toán để chấm dứt việc đặt trạm BOT không đúng vị trí
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sáng 28/5 đứng trên quan điểm dự án PPP là đầu tư công, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bày tỏ sự ủng hộ với việc kiểm toán toàn bộ dự án.
“Nếu được kiểm toán thì sẽ không còn chuyện làm đường một nơi và đặt trạm một nơi nhưng lại thu phí một nẻo; làm đường tránh, nhưng trạm thì lại đặt ở trên Quốc lộ 1 như đã diễn ra trong thời gian qua”, ông Phương nói. Theo ông Phương, một khi tuân thủ đúng pháp luật thì không có việc gì phải ngại kiểm toán, ngại thanh tra, ngại kiểm tra.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lưu ý kiểm toán là hết sức quan trọng, bởi trong dư luận cũng cho rằng nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp chậm chạp do những cá nhân tìm cách này, tìm cách kia để “kiếm chác, bôi trơn”. Dẫn ví dụ nghi vấn công ty của Nhật Bản Tenma “bôi trơn” cho cán bộ thuế, hải quan, ông Phương đặt câu hỏi, vì sao Nhật Bản phát hiện ra còn Việt Nam lại không? “Tất cả các dự án BOT, BT phải có Kiểm toán nhà nước vào để tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, lãng phí, giảm bớt gánh nặng cho người dân, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhân dân”, ông Phương nêu ý kiến.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kiểm toán một cách toàn diện các dự án PPP không hợp lý. Theo ông, những dự án thành phần mà sử dụng ngân sách nhà nước thì được kiểm toán một cách toàn diện theo Luật Đầu tư công. Còn những phần nào sử dụng hoàn toàn vốn tư nhân thì trong luật đã quy định là cơ quan ký hợp đồng phải phối hợp với nhà đầu tư để thuê kiểm toán độc lập kiểm toán một cách minh bạch.
Là ông chủ của nhiều dự án BOT lớn, ĐB Phạm Quang Dũng (Nam Định) cho rằng, dự án công - tư được thực hiện thông qua hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký với doanh nghiệp tư nhân. Hợp đồng thể hiện rõ việc thuận mua, vừa bán. Do đó chỉ nên kiểm toán phần lựa chọn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và khâu chuẩn bị đầu tư giá cả và đấu thầu không minh bạch, sân trước, sân sau. Còn đã đấu thầu minh bạch, nhà nước đã ký hợp đồng với tư nhân thì không có chuyện kiểm toán lại cắt lên, gọt xuống, định mức này, giá kia là không đúng với pháp lệnh hợp đồng.
Phải sòng phẳng với nhà đầu tư
Đề cập đến cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp theo hướng, nếu doanh thu thực tế cao hơn 125% so với phương án tài chính thì doanh nghiệp chia 50% cho nhà nước, còn nếu thiếu hụt 1% thì được nhà nước bù, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, chưa hợp lý, không bình đẳng giữa lợi ích của nhà nước. Nữ đại biểu tỉnh này cũng cảnh báo tình trạng nhà đầu tư khống chế không để doanh thu vượt quá 125% so với phương án cam kết để tránh phải chia sẻ doanh thu với nhà nước.
Báo cáo giải trình với các đại biểu về nội dung trên, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là một dự luật khó, nếu chỉ nghiêng về nhà nước thì không có nhà đầu tư nào tham gia. Ngược lại nghiêng về nhà đầu tư thì cũng không được. Vì thế, cơ chế chia sẻ rủi ro chính là “cuộc cách mạng đặc biệt” trong dự thảo luật. Giải thích thêm về nội dung này, ông Dũng khẳng định, chỉ khi nào doanh thu giảm dưới 75% thì nhà nước mới phải chia sẻ cho doanh nghiệp.
“Đại biểu nói là giảm 1% nhà nước cũng chia sẻ là không phải, tôi xin khẳng định lại là dưới 75% mới là mức để xem xét chia sẻ. Còn tăng doanh thu lên thì trên 125%, bất kể lý do nào chúng ta cũng chia 50-50 với nhà nước, như vậy nhà nước được hưởng rất là nhiều”, ông Dũng nói. Riêng đối với vấn đề kiểm toán, theo ông Dũng, chỉ nên kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước, còn lại là tư nhân họ còn có một quyền là thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng giữa 2 bên.
Đề nghị không quy định hình thức hợp đồng BT vào trong luật, vì dự án này không thuộc bản chất của dự án PPP. Nếu nhà nước thiếu vốn thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẵn có để có vốn đầu tư công, thay vì làm BT, chuyển giao đất mà không qua đấu giá, dễ tiêu cực, gây dư luận xấu. (ĐBQH Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp).