Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2016-2020, bộ này đã phê duyệt thực hiện 400 dự án triển khai trên cả nước cho chương trình nông thôn miền núi, với tổng kinh phí đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ Trung ương hơn 1.200 tỷ đồng (chiếm 40 %), nguồn khác là 1.800 tỷ đồng đồng (chiếm 60%). Các dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ được triển khai trong nhiều lĩnh vực, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…
Trong đó, trồng trọt có số lượng dự án lớn nhất (176 dự án, chiếm tỷ lệ 44,00% tổng số dự án), với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.300 tỷ đồng. Các dự án khi kết thúc sẽ đào tạo được khoảng 1.678 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn kỹ thuật cho 39.700 lượt nông dân tại các địa bàn dự án; triển khai chuyển giao và tiếp nhận 976 quy trình công nghệ; xây dựng được 633 mô hình và đã tổ chức hàng trăm hội nghị đầu bờ để khuyến cáo kết quả tới cộng đồng dân cư.
Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các dự án khi kết thúc dự kiến xây dựng trên 1.300 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (đạt 109,1%); chuyển giao được hơn 2.100 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế , xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (đạt 141,7%).
Thông qua việc thực hiện dự án và các nhiệm vụ có liên quan, chương trình này đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.800 cán bộ quản lý (đạt 120,0%); đào tạo trên 3.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương (đạt 140,8%), tập huấn cho hơn 78.600 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án (đạt 98,3%).
Công nghệ chuyển giao cho dự án tập trung vào các nội dung: Tiến bộ khoa học và công nghệ về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm; Quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn với môi trường, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến…
Trong giai đoạn này, các dự án theo chuỗi liên kết được ưu tiên lựa chọn với kỳ vọng tạo hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân, trong đó xây dựng các mô hình liên kết giữa đơn vị sản xuất với người nông dân và với nhà phân phối thành chuỗi giá trị từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.