Báo Tiền Phong từng phản ánh việc Sở Y tế (SYT) Đắk Lắk cho 1 doanh nghiệp trúng thầu độc quyền 7 mặt hàng đã đổi nhóm, trong bài “Tham nhũng y tế ở Đắk Lắk: Lo ngại chìm xuồng”, đăng ngày 20/2/2017.
Điểm lại vụ việc
Bài viết khẳng định chỉ tính riêng 5/7 loại thuốc bị đổi nhóm mà Cục Quản lý Dược hồi âm cho một doanh nghiệp bằng văn bản, đã làm tăng giá thuốc trong kết quả trúng thầu lên tiền tỷ. Thực tế, tổng trị giá chênh lệch phải lên tới hàng chục tỷ đồng, vì SYT Đắk Lắk còn cho bệnh viện liên tục mua bổ sung số mặt hàng này sai quy định. Và trong 666 mặt hàng trúng thầu đợt đấu thầu thuốc năm 2014-2015, báo Tiền Phong cũng nhiều lần chứng minh còn có nhiều mặt hàng khác nữa bị chấm chọn sai trái.
Trước đó, bắt đầu từ tháng 9/2015, báo Tiền Phong đã đăng loạt bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm, nhóm lợi ích thao túng”. Tiếp đó là loạt bài “Lãng phí trong mua sắm trang thiết bị y tế”. Hai lần Văn phòng Chính phủ gửi công văn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phải chỉ đạo thanh kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu sai phạm này để xử lý.
Trong Thông báo số 104 ngày 27/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định lãnh đạo SYT có nhiều sai phạm. Do đoàn thanh tra liên ngành “báo cáo chưa dứt khoát, chưa rõ ràng”, nên Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chuyển hồ sơ cho công an tỉnh điều tra làm rõ các dấu hiệu sai phạm về đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế. Đầu tháng 11/2015, trao đổi với báo Tiền Phong, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Sau quá trình dài điều tra xác minh, đến nay công an tỉnh đã xác định rõ các dấu hiệu cố ý làm trái trong công tác đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk. Công an tỉnh Đắk Lắk đang củng cố hồ sơ, chuẩn bị khởi tố vụ việc”.
Tuy nhiên, sau đó, tiến trình xử lý sự việc gần như “dẫm chân tại chỗ”. Mới đây, trong nửa đầu tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk chuyển thông tin cho báo Đắk Lắk và Đài Truyền hình Đắk Lắk đăng, phát kết quả họp xét thi hành kỷ luật đảng đối với một số cán bộ đảng viên có sai phạm trong đấu thầu thuốc, điều chuyển cán bộ, mua sắm máy vi tính từ năm 2010 cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tới nay chưa xây xong. Theo bản tin này, ông Nguyễn Phi Tiến, nguyên giám đốc SYT sẽ bị kỷ luật. Còn ông Doãn Hữu Long đương kim giám đốc sở chỉ phải “kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Liên ngành Công an-Kiểm sát tỉnh Đắk Lắk đã phải gửi báo cáo số 532 ngày 11/8/2017 đến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, và Ban Nội chính Trung ương, đề nghị hai cơ quan này yêu cầu Bộ Y tế thực hiện việc giám định. Vì đến thời điểm đó, Công an tỉnh Đắk Lắk đã 4 lần gửi quyết định trưng cầu đề nghị Bộ Y tế giám định quy trình đấu thầu thuốc, hồ sơ mua thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk từ 2012-2015, quá hạn khá lâu vẫn không được đáp ứng.
Ngày 29/9/2017, Trưởng ban Nội chính Trung ương - Phan Đình Trạc ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đề nghị chỉ đạo giám định. Cơ quan trưng cầu đến gần cuối tháng 11 mới nhận được bản Kết luận số 1257/KL-BYT.
Hồ sơ thể hiện, từ ngày 22/6/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký quyết định thành lập Hội đồng giám định (HĐGĐ) gồm 14 vị, gồm đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Bảo hiểm Y tế. Quyết định ghi “Hội đồng giám định tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng lại không yêu cầu khi nào hoàn thành nhiệm vụ.
Kéo dài việc giám định suốt 5 tháng, HĐGĐ vẫn “bỏ sót” nội dung cơ bản nhất mà Quyết định trưng cầu đã yêu cầu, là sai phạm đã gây thiệt hại ngân sách bao nhiêu. Vì thế, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nói Kết luận 1257 chỉ “giám định nửa vời” và Viện đã yêu cầu triển khai tiếp những việc cần làm ngay.
Sai, do đổi nhóm thuốc và đấu thầu... độc quyền
Theo Kết luận 1257 dài 21 trang, Quyết định trưng cầu 127/PC46 đưa ra 5 nội dung yêu cầu giám định.
Với 4 nội dung đầu hỏi về việc gia hạn đấu thầu; giá thuốc bình quân; thu hồi chi phí thuốc chậm đấu thầu hơn 5,5 tỷ đồng; việc tổ chức và trình tự đấu thầu 3 mã số thuốc có tên N-Acetylcystein, Etoricoxib, Pregabalin; Hội đồng giám định đều không trả lời đúng hay sai, chỉ lý giải chung chung, dẫn các văn bản tham chiếu liên quan, và cho rằng “bên giám định không đủ cơ sở để kết luận”.
Riêng nội dung thứ 5, cơ quan CSĐT hỏi trong đợt tổ chức đấu thầu thuốc năm 2014-2015, Sở Y tế Đắk Lắk đưa 7 mặt hàng thuốc Calcium gluconolactat+ Calcium carbonat 0,3g+2,94g; Cefuroxim125mg; Meloxicam15ml; Paracetamol 80mg; Paracetamol 250mg; Paracetamol 150mg; Vitamin C 1000mg vào dự thầu nhóm 2 gói thầu Generic; Đồng thời chấm cho liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco (đơn vị dự thầu duy nhất) trúng thầu 7 mặt hàng thuốc nêu trên là đúng hay sai ? Nếu sai thì vi phạm văn bản nào? Hậu quả thiệt hại cụ thể là bao nhiêu? Trách nhiệm thuộc cá nhân nào?
Kết luận 1257 xác nhận việc để 7 mặt hàng trên trúng thầu vào nhóm 2, và phê duyệt cho liên danh Hoàng Vũ-Pymepharco trúng thầu 7 mặt hàng này, là “chưa đúng quy định tại điều 3 Thông tư số 36/2013/TTLT-BYT-BTC”; Đồng thời xác nhận “Trách nhiệm này thuộc về giám đốc SYT, các tổ chuyên gia giúp việc cho giám đốc trong đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả đánh giá lựa chọn nhà thầu”.