Giảm gần 500 tỷ nhờ đấu thầu thuốc tập trung

Đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm đáng kể chi phí thuốc men cho người bệnh.
Đấu thầu thuốc tập trung giúp giảm đáng kể chi phí thuốc men cho người bệnh.
TP - Ngày 11/12, Bộ Y tế tổ chức công bố kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức tập trung. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong lần đầu tiên triển khai hình thức mới này giúp giảm được trên 477 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia cho biết, đầu tháng 8/2017 đã mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật của các nhà thầu tham dự 5 gói thầu của gói thầu thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Đây là gói thầu mua sắm tập trung đầu tiên của Bộ Y tế được mở thầu sau khi Trung tâm đi vào hoạt động cách đây ít lâu. Gói thầu mua sắm lần đầu này gồm 22 loại thuốc (5 biệt dược và 17 thuốc generic) thuộc 5 hoạt chất điều trị. Đây là các loại thuốc được sử dụng thường xuyên, với số lượng lớn. Số lượng thuốc đã được tổng hợp từ nhu cầu điều trị của tất cả các tỉnh, thành và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng như y tế các bộ, ngành. Gói thầu tập trung đầu tiên kể trên có giá trị trong vòng 2 năm (từ ngày 1/1/2018 đến hết năm 2019), nhưng ngay sau khi công bố chính thức, các bệnh viện có thể áp dụng ngay giá trúng thầu mới, bằng cách Trung tâm ký hợp đồng với nhà thầu và bệnh viện gọi hàng, thanh toán tiền trên cơ sở giá trúng thầu.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, trong quá trình triển khai, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mở rộng danh mục thuốc, tập trung vào các nhóm thuốc trị bệnh không lây nhiễm, tần suất cơ sở y tế sử dụng nhiều, có chi phí cao. Với mục tiêu giảm giá thuốc đấu thầu khoảng 10-15% theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc mở rộng danh mục này sẽ theo lộ trình để đảm bảo ổn định trong cung ứng và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, vì quy mô gói thầu lớn nên sẽ giảm được giá thuốc trúng thầu; giảm đầu mối tổ chức, số lượng người tham gia, thời gian… Sau khi trúng thầu, Trung tâm có thể ký hợp đồng đặt hàng trước mua thêm 120-130% so với gói thầu. Doanh nghiệp cũng phải cam kết có thể cung cấp hơn 30% so với gói thầu để tránh tình trạng thiếu thuốc. Trên thực tế, thời gian qua, việc xác định nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh khó sát với tình hình thực tế do nhu cầu biến động. Chính vì vậy, bước đầu, Bộ Y tế tính toán chỉ đấu thầu tập trung cấp quốc gia 5 hoạt chất theo quy định của Thông tư 09. Trường hợp xảy ra tình trạng thiếu do cơ sở y tế lập kế hoạch chưa sát thực tế thì có thể mua bổ sung thêm theo quy định của luật đấu thầu không vượt quá 120%.

Cùng ngày, tại Hội nghị triển khai kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ Y Tế Phạm Lê Tuấn cho biết thêm, trong lần đầu tiên triển khai hình thức mới này giúp tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch).

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cho biết, trong số 447 tỷ đồng tiết kiệm được nhờ đấu thầu thuốc tập trung có 114,3 tỷ đồng tiết kiệm được ở thuốc biệt dược (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); thuốc Generic tiết kiệm được 362, 7 tỷ đồng (giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch).

TS Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận định: “Công tác đấu thầu thuốc còn khá nhiều vướng mắc, lo lắng phía trước. Kết quả đấu thầu đã tốt, vấn đề là đưa vào thực tiễn khám, điều trị cho người bệnh. Đấu thầu tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh”.

Trong số 447 tỷ đồng giảm được nhờ đấu thầu thuốc tập trung có 114,3 tỷ đồng ở thuốc biệt dược (giảm 6,9% so với giá kế hoạch gói thầu); thuốc Generic giảm được 362,7 tỷ đồng (giảm khoảng 33% so với giá kế hoạch).

MỚI - NÓNG