“Đầu tàu không thể cứ chạy bằng than đá”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại buổi làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại buổi làm việc.
TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với kiến nghị của TPHCM về cơ chế quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do một phó thủ tướng làm trưởng ban, đồng thời cho phép thành phố tiếp tục thí điểm những vấn đề mới, luật chưa quy định nhưng bức thiết đặt ra trong thực tế và phải đi trước cả nước trong các mô hình phát triển.

Chiều 27/6, đoàn công tác của chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã làm việc tại TPHCM để xem xét các đề xuất kiến nghị của lãnh đạo thành phố. Cùng dự có các phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM thí điểm quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương như phí xăng dầu, phí môi trường, phí sử dụng bất động sản và chuyển nhượng bất động sản… đồng thời được quy định các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh, mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nông nghiệp TPHCM tuy chỉ chiếm 1% diện tích và sản lượng 2% so với cả nước nhưng có vai trò là trung tâm chế biến nông lâm thủy sản, là đầu mối xuất khẩu với tổng giá trị đạt khoảng 15 tỷ USD (cả nước 30 tỷ USD). Hầu hết cao su các tỉnh miền Đông, cà phê ở Tây Nguyên đi qua TPHCM. Trong khi nông nghiệp cả nước 6 tháng không tăng thì tăng trưởng TPHCM đạt 5,9% là rất cao.

Tuy nhiên, ông Phát lưu ý: TPHCM cần rà soát lại các quy hoạch. Là đầu tàu phải gắn với cả nước, với khu vực chứ không thể có quy hoạch riêng của đầu tàu. Thành phố vừa triển khai dự án chống ngập, xây dựng đê bao. Nước bên ngoài dềnh lên thì phải có giải pháp ứng phó cho cả vùng.       

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, TPHCM cần có một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, đầu tàu kinh tế cả nước. Tầm nhìn dài hạn nhưng chỉ đạo, điều hành trung hạn là không được. Cứ lừng khừng, không có quyết tâm chính trị lớn thì khó trở thành ngọn cờ đầu của cả nước. TPHCM phải là hòn ngọc chiếu sáng biển Đông chứ không phải là hòn ngọc thông thường. TPHCM phải cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,47%, tuy cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước nhưng so với tiềm năng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ vừa qua thì vẫn đạt thấp.

Ông Đinh La Thăng cho rằng giải quyết cơ chế chính sách cho TPHCM chính là giải quyết cho cả nước. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho phép TPHCM thí điểm tất cả những gì luật chưa quy định. Sau thời gian thí điểm, TPHCM sẽ sơ kết, nếu thành công thì báo cáo Chính phủ nhân rộng.

“Sau 40 năm, TPHCM luôn đóng vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước. Đầu tàu không thể cứ chạy bằng nước hay than đá để kéo các toa tàu. Các cửa ngõ giao thông kết nối vào TPHCM tắc nghẽn rồi. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay kẹt quá. Máy bay lòng vòng trên trời nửa tiếng mới được đáp xuống. Cái gì xã hội hóa được thì làm ngay” - ông Thăng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình: Một thành phố lớn như TPHCM thì bộ máy không thể như một tỉnh có 200 - 300 nghìn dân. Chính phủ nên giao thành phố thí điểm. Luật còn chung chung.

“Tự chủ bệnh viện, trường đại học là chủ trương của chính phủ nhưng mỗi khi triển khai xuống là vướng bởi nhiều bộ, ngành, đơn vị không muốn làm. Nếu TPHCM muốn thí điểm thì làm ngay” - ông Đam nói.

Theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TPHCM chưa có bệnh viện nào xứng tầm. Công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, chưa xứng đáng là trung tâm. “Xã hội hóa y tế, lẩn quẩn mãi không chịu đổi mới. TPHCM phải giỏi hơn chứ bình bình như các tỉnh là không được” - Thủ tướng lưu ý.

Tăng sức kéo cho đầu tàu

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, TPHCM năng động nên cần phân cấp và tạo điều kiện cho thí điểm những gì trong quá trình thực hiện đang vướng như cải tạo chung cư xuống cấp, chỉnh trang đô thị, biên chế, tổ chức bộ máy. Những vấn đề ngoài thẩm quyền của chính phủ thì giao các bộ ngành báo cáo Thủ tướng, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng nếu được tạo điều kiện về cơ chế chính sách, TPHCM còn có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, TPHCM cần lưu ý sức ép đô thị hóa, công nghiệp hóa và kinh tế thị trường trong điều kiện chưa đủ tri thức, kinh nghiệm, hành lang pháp luật chưa đầy đủ. Ngoài ra, vàng trong dân còn rất lớn nhưng được giao dịch bất hợp pháp. Cần có cơ chế để mọi người giao dịch công khai và nhà nước huy động nguồn lực này cho đầu tư phát triển.

“Nhiều chuyên gia cảnh báo bong bóng bất động sản có thể lại vỡ. Thị trường đang phát triển nhưng nợ rất lớn, tồn đọng bất động sản trước kia xử lý chưa xong, tiếp tục vay ngân hàng đầu tư bất động sản, đến lúc nào đó đóng băng, biến động chứng khoán là sụp. Trong bất động sản, đấu tranh phòng chống tham nhũng cho tốt, không để tham nhũng, lợi ích nhóm xen vào” - ông Trương Hòa Bình lưu ý.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản đồng tình với các kiến nghị của thành phố, nhất trí với một số ý kiến về cơ chế trưởng ban quản lý phát triển kinh tế vùng phía Nam phải là phó thủ tướng, cơ chế chính sách sửa chữa 474 chung cư cũ, xuống cấp.

Thủ tướng lưu ý TPHCM đang ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là tình trạng cướp giật tài sản gây bất an cho người dân, du khách và nhà đầu tư. TPHCM cần phải giải quyết sớm các khiếu kiện của hơn 10 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thủ tướng lưu ý TPHCM phải coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch phải có tầm nhìn xa, bảo tồn được bản sắc hơn 300 năm. TPHCM cần đi đầu trong đổi mới cách làm quy hoạch, tránh quy hoạch treo, tác hại lâu dài đến đời sống người dân. phải xây dựng thành phố thành nơi đáng sống và phải đi trước cả nước trong các mô hình phát triển.

MỚI - NÓNG