Đấu giá đất tại Hà Nội: Hàng trăm tỷ đồng bị chiếm dụng trái phép

Đấu giá đất tại Hà Nội: Hàng trăm tỷ đồng bị chiếm dụng trái phép
TP - Báo cáo mới đây cho thấy toàn TP Hà Nội chỉ đạt 25% kế hoạch đấu giá đất. Đất bán được ít nhưng DN chây ì không chịu nộp tiền, để hoang đất gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Đấu giá đất tại Hà Nội: Hàng trăm tỷ đồng bị chiếm dụng trái phép ảnh 1

Khu đất này (quận Tây Hồ) sau khi đấu giá vẫn bị bỏ hoang, nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền đấu giá

Báo cáo về công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, thị trường này vẫn chưa mấy sáng sủa. Nhiều phiên đấu giá phải hoãn lại hoặc thực hiện với giá sàn thấp. Có chủ đầu tư trúng thầu với giá 80 triệu đồng/m2 nhưng phải “bỏ của chạy lấy người”.

Các phiên đấu giá cho các dự án đất lớn càng thưa thớt người tham gia. Huyện Gia Lâm được giao chỉ tiêu thu 180 tỷ đồng từ đấu giá đất thì mới chỉ đạt 6 tỷ (4%), chủ yếu là diện tích kẹt, đất ở.

Các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm đều rất khó khăn. Quận Long Biên cũng chỉ thu được 50 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch. Tính trung bình từ đầu năm đến nay, toàn thành phố chỉ đạt 25% kế hoạch.

Tại nội thành, các phiên đấu giá thất thường. Quận Tây Hồ từng thu gần 1.500 tỷ đồng tiền đấu giá đất (gần bằng 50% tổng thu tiền đấu giá đất của toàn thành phố), thế mà có lô đất qua hai phiên đấu giá vẫn ế.

Sáng sủa hơn có lẽ là quận Cầu Giấy: sau 5 phiên đấu giá đều đặn, quận đã thu được 190 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm.

Theo các chuyên gia, thị trường nhà đất tại Hà Nội hiện vẫn rất trầm lắng. Có thời điểm, đất biệt thự nhà vườn tại quận Cầu Giấy giá sàn chỉ ở mức 17 triệu đồng/m2, giá trúng thầu từ 19-23 triệu đồng.

Tại quận Long Biên, giá sàn từ 5-7 triệu đồng/m2, giá trúng thầu 11,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại Gia Lâm, khu đất 17 ha làng nghề Bát Tràng đã giảm từ 1,5 triệu đồng xuống 675.000 đồng/m2 (giảm 50% so với năm 2005) nhưng chủ đầu tư chưa thực sự mặn mà.

“Cố gắng lắm đến hết năm huyện cũng chỉ có thể hoàn thành được 70% kế hoạch”- Ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội - Đơn vị có nhiệm vụ chuẩn bị quỹ đất sạch để thực hiện các dự án lớn-được giao kế hoạch thu hồi 450 ha trong năm nay nhưng chưa thu hồi được mảnh đất nào để đấu giá.

“Năm nay, Trung tâm chỉ có thể GPMB xong khoảng 200 ha”- Ông Cao Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm nói.

Hàng trăm tỷ đồng nợ khó đòi

Trong khi việc đấu giá đạt thấp so với kế hoạch, thì vẫn còn tình trạng  “hậu” đấu giá, chủ đầu tư nợ đọng tiền đấu giá, khó đòi ở một số quận huyện. Số thực thu chỉ đạt 25-50% kế hoạch đã thực hiện.

Theo Quyết định số 137/QĐ-UB ngày 9/9/2005, hạ tầng chưa hoàn thiện thì chỉ được thu tiền theo tiến độ. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn lờ đi các khoản đóng góp theo nghĩa vụ kể cả khi có hạ tầng tốt.

Một nguyên nhân khác, theo ông Nguyễn Lễ, đó là do thị trường nhà đất rớt giá trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, không thể thu hồi đất để đấu giá lại, vì Nhà nước sẽ thất thu rất lớn.

Đến tháng 8/2006, quận Tây Hồ đạt 70% diện tích đấu thầu được giao (tương đương 299 tỷ đồng), nhưng số tiền thực thu chỉ là 67 tỷ đồng (25% số tiền phải thu).

Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, số thu đạt thấp vì nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa khất nợ. Nếu tính từ năm 2004 trở lại đây, tổng số tiền các doanh nghiệp còn nợ đọng là gần 611 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng số tiền thu được.

Ông Nguyễn Đăng Hưng, Phó Ban QLDA hạ tầng kiến trúc xung quanh Hồ Tây cho biết: Khu D (1-3-5) sau gần 3 năm đấu giá, hàng chục doanh nghiệp vẫn còn nợ hơn 300 tỷ đồng, chưa thu hồi được chỉ vì giao thông chưa hoàn thiện, chưa có nguồn nước!

Theo ông Hưng, nhiều doanh nghiệp sau khi trúng thầu cũng không chịu nộp tiền theo quy định.

Xung quanh vấn đề nợ đọng tiền đấu giá đất của các doanh nghiệp, thành phố Hà Nội đang giao cho các cơ quan chức năng trong đó có Sở Tài chính tìm hướng giải quyết.

Hàng chục ha đất sau khi đấu giá vẫn để hoang gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Điều đó cho thấy quy chế đấu giá đất của Hà Nội còn thiếu chặt chẽ, cần xiết lại. Nếu không, hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục bị chiếm dụng trái phép. 

MỚI - NÓNG