Đấu giá công khai mới dẹp được trục lợi từ đồng phục của học trò

Học sinh mầm non khai giảng năm học mới (ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
Học sinh mầm non khai giảng năm học mới (ảnh chỉ mang tính minh hoạ)
TPO - Sau khi báo Tiền phong đăng chuyên đề “Đồng phục học đường: Loạn chiêu” (ngày 4/9), nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đấu giá, hoặc nhận chào giá công khai mới xoá được việc trục lợi và tránh để tiếng xấu cho nhà trường.

Ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ GDĐT, các GDĐT. Các cơ quan này cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và quản lý chặt việc bán đồng phục cho học sinh.

Theo ông Nhĩ, để tránh trục lợi, Bộ GDĐT nên nghiên cứu, khảo sát và quy định chi tiết về chất liệu vải, giá thành tối đa đồng phục học sinh các cấp. Sau đó, công bố công khai để các trường thống nhất thực hiện. “Tôi thấy ở nước ngoài cũng quy định như vậy. Quy định rõ chất liệu, giá thành công khai và rành mạch thì chẳng ai thắc mắc”, ông Nhĩ nói.

Một giải pháp nữa mà ông Nhĩ đề cập đến là nhận chào giá công khai, số lượng lớn thì đấu giá để may đồng phục. Theo đó, đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường và các phòng, sở GDĐT mời các nhà may cung cấp bảng báo giá, dự đấu giá dựa theo mẫu, chất lượng vải, số lượng may. “Như vậy, việc may đồng phục sẽ minh bạch, phụ huynh và học sinh được hưởng giá tốt nhất, tránh một số cá nhân thu lợi” – ông Nhĩ nói.

Như Tiền Phong phản ánh, trong Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT Quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp, Bộ GDĐT không quy định cụ thể về quy trình thực hiện. Theo đó, Thông tư này chỉ quy định: Việc quyết định mẫu đồng phục thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng; việc may/mua đồng phục giao cho ban phụ huynh. Tuy nhiên, ban phụ huynh không phải là một tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, đặc biệt về quản lý kinh tế nên không thực hiện được nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ GDĐT.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, cần phải đấu thầu may đồng phục, nhất là ở các trường công lập. “Điều này cũng tránh cho nhà trường và cả ban đại diện phụ huynh mang tiếng” – TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chi phí cho đồng phục là khoản tiền không nhỏ, trở thành gánh nặng cho cha mẹ học sinh vào đầu năm học mới nên cần thiếtphải đấu thầu công khai việc may, mặc đồng phục.

Các trường phải thông báo rộng rãi việc may đồng phục để các nhà may biết và tham gia đấu giá. Trong ban đàm phám với nhà may phải có đại diện phụ huynh, bởi vì việc chi trả tiền đồng phục là do phục huynh, chứ không phải nhà trường. “Dự thảo hợp đồng may đồng phục do bạn đại diện phụ huynh làm việc trực tiếp với nhà may và giám sát thực hiện hợp đồng”, ông Doanh nhấn mạnh.

 Trao đổi với Tiền Phong. đại diện Bộ GDĐT cho hay sẽ lắng nghe các phản ánh của Báo Tiền phong, ý kiến các chuyên gia; sau lễ khai giảng, các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ họp bàn về vấn đề này.

"Đừng coi đồng phục là chuyện nhỏ"

Quan điểm của tác giả Đào Nam Sơn- nguyên Nghiên cứu viên chính Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới trong ta (cơ quan của Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam:

 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT quy định việc may đồng phục là do phụ huynh hoặc đại diện cha mẹ học sinh tổ chức là hoàn toàn đúng đắn đúng với tinh thần của đổi mới trong giáo dục và hợp với lòng dân.

Thông tư là một văn bản có tính pháp quy của ngành nếu không muốn nói là cao nhất của một ngành trong hệ thống quản lý nhà nước. Trường hợp cha mẹ các cháu thông qua tổ chức của mình, nhờ nhà trường làm giúp lại là một chuyện khác mà nên có cam kết rõ ràng để tranh hiểu lầm. Việc các cơ sở che dấu Thông tư của Bộ không để thông tư ấy đến với cha mẹ các cháu là một việc làm sai trái.

Dù đã khai giảng nhưng việc đưa tinh thần của Thông tư 26 đến với cha mẹ học sinh là một việc làm cần thiết để họ thông về tư tưởng và cho họ có quyền tự chọn phương cách may sắm đồng phục cho con em mình.

Với những cơ sở giáo dục chưa thông báo tinh thần của thông tư mà đã thu tiền của gia đình học sinh thì nên nhanh chóng hoãn lại các hoạt động mua sắm, may đo chờ ý kiến thống nhất của cha mẹ các cháu.Việc làm này tuy có chậm một chút nhưng chậm còn hơn sai. Nếu cha mẹ các cháu muốn tự tay mua sắm đồng phục cho con em mình thì số tiền họ đã đóng phải trả lại.

Cơ quan quản lý giáo dục , sở, phòng nên coi trọng tinh thần hướng dẫn trong Thông tư mà thực hiện nghiêm quyền quản lý của mình trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện, tránh trường hợp trên bảo dưới không nghe, hay đánh trống bỏ dùi. Nơi nào làm đúng thì biểu dương nơi nào làm sai phải chấn chỉnh tìm biện pháp khắc phục. Sau ngày khai giảng các cơ quan quản lý giáo dục cấp dưới cần báo cáo lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về việc thực hiện Thông tư 26. Xin đừng xem chuyện may đồng phục cho các cháu là chuyện nhỏ.

Đấu thầu công khai ai nhận làm với điều kiện tốt nhất thì được giao- may đồng phục cho các cháu là một việc nên làm, việc làm tốt nhất để tránh bị ép giá, đảm bảo công khai minh bạch,  tránh điều tiếng cho người đứng ra nhận làm công việc này để cả đại diện của cha mẹ các cháu hay đại diện nhà trường.

Để có thể đấu thầu có kết quả cha mẹ các cháu cần thống nhất với nhà trường những yêu cầu của một bộ đồng phục từ chất lượng vải đến màu sắc, và đến chất lượng may như thế nào. Từ đó tổ chức mở thầu. Cơ sở may nào trúng thầu thì giao cho cơ sở may đó trên cơ sở giám sát chặt chẽ của người đại diện cho cha mẹ các cháu và nhà trường. Có thể yêu cầu làm thử một vài bộ sau đó mới tiến hành may đồng loạt.

MỚI - NÓNG