Đồng phục học đường: Ấn tượng và biến tướng

Ðồng phục học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau)
Ðồng phục học sinh Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau)
TP - Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà giáo ưu tú Ðàm Thị Ngọc Thơ - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ khởi xướng nữ sinh mặc áo dài trắng tinh khôi, tạo tiếng vang, lan rộng. Nhưng đồng phục ngày càng biến tướng, đè nặng, ám ảnh phụ huynh.

Ðồng phục đua nở

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, thời kỳ kinh tế vô cùng khó khăn, cô giáo Đàm Thị Ngọc Thơ, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ lúc bấy giờ đã khởi xướng, vận động, thuyết phục đồng phục cho nữ sinh mặc áo dài trắng tinh khôi...

Cô Thơ nhớ lại, có lần bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sau này làm Phó Chủ tịch nước, có gợi ý học sinh nữ nên mặc đồng phục để đẹp hơn, xoá khoảng cách giàu nghèo. Học sinh nữ đến trường có nhiều em mặc áo sờn vai, rách phải vá lại.

Sau đó, cô giáo Đàm Thị Ngọc Thơ nói: “Tôi có hỏi ý kiến Tỉnh ủy, UBND, Sở GD&ĐT Cà Mau. Lãnh đạo không cấm mà cũng không chủ trương đồng phục học sinh nữ. Nhưng tôi quyết tâm làm, vận động giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh chuẩn bị suốt một mùa hè để may đồng phục áo dài cho học sinh vào đầu năm học (1993- 1994)".

Cô Thơ nhớ lại: “Hồi đó, có nhiều ý kiến khác nhau: Một là áo dài đắt tiền, khó tìm thợ may. Nhưng các ý kiến khác ủng hộ vì ngôi trường mang tên nữ Anh hùng Hồ Thị Kỷ, người cất giấu trong mình quả bom hẹn giờ, phát nổ tiêu diệt kẻ thù, giữa lòng thành phố Cà Mau”.

Cô Đàm Thị Ngọc Thơ cười rất tươi: “Năm học đầu tiên, trong 305 nữ sinh cấp 3, thì có 301 học sinh mặc áo dài trắng. Sau đó, các em không có điều kiện, được Đoàn trường, Hội cha mẹ học sinh… hỗ trợ tà áo dài”.

Vận động trầy trật nhưng rồi đại đa số cha mẹ học sinh ủng hộ. Phong trào nữ sinh mặc áo dài trắng đến trường khối THPT gần như lan rộng tất cả trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Màu trắng tinh khôi của học sinh rợp đường giờ tan trường từ thành thị đến nông thôn Đất Mũi.

Cũng những năm 90 của thế kỷ trước, Trường tiểu học NT, phường 2 (thành phố Cà Mau) khởi xướng đồng phục học sinh tiểu học với nền áo trắng, quần xanh lá cây. Tuy nhiên, đồng phục này do đầu nậu có quyền lực thầu cung cấp.

Lúc đầu, do may công nghiệp “áng chừng” nên cha mẹ học sinh mua về phải đến hiệu may để chỉnh sửa cho vừa vặn cơ thể con mình. Không lâu, đồng phục của học sinh “trường điểm” bị các tiệm may copy nên phá thế độc quyền ăn chia.

Ðồng phục cần đồng lòng

Vào năm 2009, Trường THPT huyện nông thôn Trần Văn Thời vận động, bắt buộc hơn 200 nữ học sinh khối lớp 10 mặc váy đi học. Vừa triển khai, cha mẹ học sinh phản ứng quyết liệt.

Bởi lẽ, cái khó của nữ sinh mặc váy phải qua sông bằng đò ngang, đò dọc, xuồng máy, đường quê…đến trường. Khi đi đường thuỷ đến trường vô cùng bất tiện. Lần đó, Trường THPT này hợp đồng với nhà may, sản xuất hàng loạt và có phòng thay đồng phục cho nữ sinh mặc váy nhưng sau đó bị chết yểu.

Nói về ngôi trường do mình làm Hiệu trưởng, cô giáo già Đàm Thị Ngọc Thơ nói: “Theo tôi, khối nữ sinh THCS ở thành thị, giao thông phát triển, có điều kiện nên mặc váy thay vì mặc đồng phục áo dài. Bởi lẽ, nữ sinh khối THCS có cơ thể chưa hoàn chỉnh, mặc áo dài chưa đẹp như các em đã trưởng thành”.

Tuy vậy, mẫu đồng phục được nhiều trường sáng kiến màu sắc, cỡ loại, hoạ tiết, đường viền… khó nhìn, quá khác biệt. Trường tiểu học N. Đ. C, phường 8 (thành phố Cà Mau) cho học sinh nữ mặc váy đỏ huyết, học sinh nam quần đỏ huyết, viền cổ, viền tay, bâu cổ màu huyết sặc sỡ, trông già trước tuổi.

Bà Nguyễn Hồng Cam, ở phường 4 (thành phố Cà Mau) cho biết, mua sắm sách vở, đồng phục, tiền trường cho con trở thành gánh nặng, phải năn nỉ chia thành nhiều đợt. Nhưng đồng phục cho con vào năm học mới trầy trợt, tốn phí, không tiết kiệm cho người nghèo, cận nghèo. Bà nói: “Tôi có 2 con đều là trai, sinh năm một, cách nhau một tuổi nhưng đồng phục mỗi đứa mỗi khác do 2 con đi học khác trường. Bộ đồng phục thằng anh còn mới, không cho thằng em mặc vì mỗi trường qui định khác nhau”.

Nhà giáo ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ chia sẻ: “Đồng phục nữ sinh THPT là tà áo dài trắng được xã hội chấp nhận. Đồng phục cho nữ sinh khối THCS nên mặc váy dài quá gối, màu sắc tươi trẻ. Riêng nam học sinh mặc áo trắng, quần âu màu xanh đen, có logo đơn vị trường học. Đồng phục càng đơn giản càng đẹp và phải tính đến yếu tố tiết kiệm, anh mặc còn mới để cho em…”.

MỚI - NÓNG