Cơ sở may này nằm tít sâu trong ngõ Gốc Đề, phố Minh Khai. Từ Minh Khai đi vào khoảng 700 m.
Đi mãi mới đến nơi, dừng ở ngôi nhà hết sức đơn sơ. Bụng nghĩ một trường THCS trung tâm thủ đô mà chọn nơi sơ sài khuất nẻo thế này để thuê may đồng phục, thì chất lượng của nó phải khả dĩ lắm đề bù lại. Thời buổi người khôn của khó.
Trong căn nhà khá tối khoảng 4-5 chục mét vuông, mấy phụ nữ người đứng cắt, người đóng gói cho áo quần vào bao tải, và một người đàn ông đi đi lại lại. Tôi bắt chuyện với một phụ nữ đang gấp quần áo. Chị khoe, cơ sở Thiên Hùng này nhận may đồng phục cho hai chục trường chứ đâu ít, “vì bà chủ quan hệ tốt”.
Một chị lấy số đo của con tôi, hỏi tên trường, sau đó đi chọn hai bộ quần tím than áo trắng và hai áo thể thao theo yêu cầu của tôi. Chị hỏi nó thích mặc quần vải thường hay có tí co giãn. Quần thường 125.000 đồng/chiếc, áo sơ mi và thể thao cộc tay 120.000 đồng/chiếc, còn quần co giãn 150.000 đồng/chiếc. Áo đông 205.000 đồng/chiếc. Áo gi-lê 185.000 đồng/chiếc.
Đồng phục của con tôi mấy năm trước khá xấu từ chất liệu đến may cắt. Kiểu cách không nói, vì nó là qui định của trường. Và bây giờ đã đến tận đại bản doanh, tôi cầm sản phẩm lên mà không khỏi buồn lòng. Chất liệu rẻ tiền, may cắt vụng về. Hai nắp túi áo sơ mi không đều nhau, các đường viền túi méo xẹo, đường kim mũi chỉ thì “trèo đèo lội suối”. Cạp quần chưa gì đã bung. Cả quần lẫn áo chả cắt chỉ thừa gì cả, như không có người “ô-tê-ka”.
Tôi chỉ cho chị chủ điều đó.
Chị cười to, lập tức lý luận, có lẽ đã dùng nhiều lần: “Ôi giời, đến ngọc còn có vết nữa là!”. Tôi: “Đây không phải ngọc có vết mà là sản phẩm lỗi, vụng. Làm ăn thế này mà mấy chục trường đặt may, mỗi trường ngàn bộ, thì phục đấy. Hay tại lại quả lớn quá nên họ đâm dễ tính”. Chị im.
Cuối cùng tôi vẫn mua mấy áo và một quần cho con. Dọc đường về tôi nói áo thì đành chịu vì có lô-gô trường, còn quần, sẽ mua vải màu tím than đưa nó đi may bên ngoài.
Xem bảng giá của cơ sở may thấy khớp báo giá của trường: 245.000 đồng/bộ mùa hè. Bộ mùa thu đắt hơn. Mùa đông đắt hơn nữa. Vấn đề là, khi có phóng viên khác hỏi giá, thì con số đưa ra lại thấp hơn nhiều, chỉ bằng một nửa. Với lời mời chào chiết khấu cho người mua nhiều và trung gian (“cò”). Ai mua nhiều may nhiều đương nhiên được chiết nhưng tỉ lệ bao nhiêu là thỏa đáng để học sinh khỏi phải mặc xấu với giá không hề bèo? Số hoa hồng chênh lệch này vào túi ai?- Một câu chuyện không mới mà dư luận vẫn đặt ra, không riêng trường nào và cơ sở may nào.
Trên đường về hôm ấy, tôi nghĩ mà buồn nhiều chuyện.
Thực tế đang diễn ra, cứ tít mù vòng quanh. Một khía cạnh của nền “kinh tế chia sẻ”- ngôn ngữ thời thượng bây giờ? Thế rồi chỉ vì chút hoa hồng mà lao xao, nổi sóng ở nơi không đáng-mái trường của con trẻ thơ ngây? Cả những người chỉ biết chạy theo lợi nhuận mà đánh mất lòng tự trọng nữa. Nhưng lỗi dường như không chỉ ở họ mà có phần đóng góp của tất cả chúng ta.