Dấu ấn TCty Bưu điện Việt Nam năm 2014

Dấu ấn TCty Bưu điện Việt Nam năm 2014
TP - Kết quả 2014 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định chủ trương đúng đắn của việc tách lĩnh vực bưu chính với viễn thông, tạo dựng nên hình ảnh Bưu điện Việt Nam mới năng động và phát triển.

1. Hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014

Bước vào năm 2014 - năm đầu tiên Bưu điện Việt Nam vừa kinh doanh vừa phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích khi không còn được nhận sự hỗ trợ bằng tiền của Nhà nước. Song Tổng công ty vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đặt ra. Tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 6.000 tỷ  đồng; lợi nhuận đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2013. Thu nhập của cán bộ nhân viên đảm bảo ổn định, đạt mức khá so với mặt bằng chung ở nhiều nơi.

2. Đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức Bưu điện Việt Nam

Năm 2014, Tổng công ty cũng triển khai mạnh mẽ việc đổi mới, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị cũng như kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc, bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt... Mô hình bưu điện thành phố, thị xã, trung tâm tỉnh lỵ đã được thống nhất triển khai trên toàn quốc. 3 đơn vị mới là Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Bưu điện, Công ty DataPost, Công ty Vận chuyển và Kho vận Bưu điện được thành lập và đi vào hoạt động ổn định.

3. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ hành chính công

Năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhiều dịch vụ từ chuyển phát chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy phép lái xe, hồ sơ hành chính, thủ tục nhà đất đến kết quả xét nghiệm của các bệnh viện... Ngoài ra, Bưu điện Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai công tác quản lý người hưởng, chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng tại 62 tỉnh, thành phố; triển khai thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế của đối tượng tự đóng trên phạm vi toàn quốc từ tháng 10/2014.

4. Triển khai chương trình kinh doanh thương mại điện tử. Gia nhập VECOM, VLA

Nắm bắt xu thế đang phát triển mạnh mẽ về kinh doanh thương mại điện tử và vai trò của bưu chính chuyển phát, Bưu điện Việt Nam đã khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án phát triển Thương mại điện tử và Logistics; hoàn thiện và đưa ra giới thiệu nhiều giải pháp ưu việt hỗ trợ cho các khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.

Trong năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Logisitcs Việt Nam; tham gia khởi xướng và là thành viên của Ban Tổ chức sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến 2014” thu hút đông đảo sự quan tâm của hàng triệu người dân và doanh nghiệp.

5. Đẩy mạnh rà soát tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng trên toàn mạng lưới

Các quy chế, quy định về chất lượng được hoàn thiện; các cơ chế, chế độ đối với người lao động được điều chỉnh; công tác kiểm tra, kiểm soát các công đoạn, đặc biệt là khâu phát được tăng cường. Nhiều giải pháp công nghệ thông tin được tích hợp vào sản xuất.

6. Triển khai đồng bộ hệ thống nhận diện thương hiệu Bưu điện Việt Nam trên toàn mạng lưới

Hơn 5.000 điểm phục vụ, bao gồm các bưu cục và điểm Bưu điện - Văn hóa xã được khang trang với biển hiệu, màu sơn và nội thất mới. Các xe vận chuyển bưu chính được sơn lại theo nhận diện thương hiệu mới. Toàn bộ cán bộ công nhân viên tại 63 bưu điện tỉnh/thành phố từ nhân viên văn phòng, giao dịch, bưu tá đến công nhân khai thác, lái xe đều được trang bị đồng phục, trang phục bảo hộ lao động mới. Mỗi bộ phận sử dụng một mẫu trang phục riêng, phù hợp với từng đặc tính công việc…

7. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề của đội ngũ quản lý và người lao động

Năm 2014, hơn 17.500 bưu tá, phát xã và nhân viên bưu điện - văn hóa xã, gần 700 giám đốc bưu điện huyện và hơn 1.500 lao động ở các vị trí khác nhau đã được đào tạo, tập huấn về công tác tổ chức, triển khai kinh doanh, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ khách hàng…

8. Đổi mới hoạt động của Bưu điện - Văn hóa xã

Năm 2014, Bưu điện Việt Nam đã triển khai chiến dịch đổi mới hoạt động hệ thống điểm Bưu điện - Văn hóa xã với hơn 8.000 điểm trên toàn quốc tập trung vào 3 vấn đề: làm mới hình ảnh; thay đổi phương thức quản lý và hoạt động và thay đổi cách thức vận động xã hội tham gia. Nhờ vậy cơ sở vật chất của điểm Bưu điện - Văn hoá xã được khang trang, tổng doanh thu trên toàn hệ thống bình quân đạt tốc độ tăng trưởng từ 15 - 19%.

9. Đẩy mạnh việc hợp tác liên kết với các doanh nghiệp, đối tác lớn

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, hàng loạt các thỏa thuận quan trọng được Bưu điện Việt Nam xúc tiến ký kết và triển khai với các đối tác lớn trong cả nước như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, MobiFone, VietJetAir và các nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Kim Đồng, Giáo dục...

Các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương với UPU, APPU, ASEAN Post++, cùng các định chế hợp tác liên kết khác trong và ngoài khuôn khổ của UPU như KAHALA, EMS Cooperative, WSBI, EuroGiro... cũng như quan hệ song phương với Bưu chính Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore ngày càng được tăng cường.

10. Phối hợp hiệu quả giữa Chuyên môn và Công đoàn tạo điểm nhấn trong phong trào thi đua 2014

Năm 2014, hoạt động của Công đoàn ở tất cả các cấp đã có những thay đổi tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân của Bưu điện Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các thành tích cao trong năm 2014. Trong đó, 1 tập thể và 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì, 6 tập thể và 1 cá nhân được tặng tưởng Huân chương Lao động hạng ba, 11 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 4 tập thể và 34 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều thành tích khác.

MỚI - NÓNG