Một số môi giới ở đây tiết lộ trong hàng trăm người có mặt tại “chợ bất động sản” này thì chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất. Giá tăng từng giờ, thậm chí từng phút đều là qua miệng cò đất đưa ra, thực tế, giao dịch thành công không nhiều.
Theo đánh giá của các chuyên gia, câu chuyện sốt đất tại Thạch Thất (Hà Nội) đang có kịch bản gần giống với cơn sốt đất diễn ra cách đây hơn 1 tháng tại xã Ba Bình (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cụ thể, vào giữa tháng 2, sau khi xuất hiện thông tin UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận cho một tập đoàn lớn nghiên cứu làm dự án bất động sản hơn 800 ha tại xã Ba Bình thì khu vực này bắt đầu náo loạn khi hàng ngàn người kéo xuống đây mua bán đất suốt ngày đêm, bất kể đất trồng cây lâu năm hay đất ao cá cũng được mua.
Người dân khu vực xã Ba Bình cho biết, giá đất khi chưa có thông tin đầu tư làm dự án thì cao nhất là 100 triệu đồng/m ngang. Tuy nhiên, khi xuất hiện thông tin nói trên, nhiều "cò đất" đã thổi lên thành 200 – 300 triệu đồng/m ngang. Nhiều khu đất còn được định giá lên đến 500 triệu/m ngang.
Lợi dụng thông tin này, môi giới cùng nhau đẩy giá khiến giá đất tại Châu Đức tăng theo giờ khiến người mua không có thời gian để trả giá. Tuy nhiên, toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ.
Và chỉ sau khoảng 15 ngày cơn “sốt đất” làm dậy sóng ở xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng qua đi, khi giới đầu nậu tháo chạy và chính quyền có những biện pháp mạnh tay. Theo đó, để ổn định tình hình, tránh tình trạng lợi dụng “sốt đất” để trục lợi UBND xã Bình Ba đã dựng 3 bảng cảnh báo tại các khu vực sốt đất trên Quốc lộ 56 đoạn qua ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba để người dân, nhà đầu tư biết, phòng ngừa việc bị lừa mua đất tại các dự án ảo.
Cảnh báo "sốt ảo", nhà đầu tư ôm trái đắng
Trở lại câu chuyện giá đất bất ngờ tăng nóng tại Thạch Thất, một số chuyên gia nhận định, nếu giá đất tiếp tục leo thang trong vài ngày nữa, rất có thể sẽ xảy ra sốt ảo, nhất là khi, không ít người đang hòa vào đám đông với mục đích đầu cơ, “đẩy sóng”.
Bằng chứng là cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây, rồi sau đó quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050, thị trường bất động sản "nóng sốt" khắp mọi nơi, giá nhà đất leo thang từng ngày. Vào thời điểm 2009-2011, những khu vực chỉ mới bắt đầu có thông tin trở thành đô thị vệ tinh như Hòa Lạc dù cơ sở hạ tầng còn yếu kém, vẫn chỉ là vùng quê hoang sơ thế nhưng giá nhà đất đã được đẩy cao gấp nhiều lần do hiệu ứng tâm lý đám đông, người người nhà nhà lao vào "cơn sốt" đất.
Giá nhà đất Hòa Lạc khi đó tăng rất mạnh, gấp nhiều lần so với mặt bằng ban đầu. Giai đoạn 2008-2009, từ mức chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/m2 cho những lô đất đẹp, ô tô đỗ cửa đã tăng vọt lên mức 10-15 triệu đồng/m2, cao điểm nhất có khu lên tới 30 triệu đồng/m2. Những mảnh đất trong làng xóm khi đó có giá ban đầu chỉ chừng 500-600 nghìn đồng/m2 cũng được đẩy lên 5-6 triệu đồng mỗi m2. Với những lô đất mặt đường quốc lộ có giá lên tới 30 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên sau đó thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, "vỡ bong bóng" giá nhà đất ở khắp Hà Nội "xì hơi" vào giai đoạn 2011-2012, hầu hết các dự án tại khu đô thị vệ tinh đều bất động hoặc chậm triển khai. Trong đó, nhà đất Hòa Lạc cũng rơi vào tình trạng đóng băng, giá giảm sâu suốt 10 năm qua. Phải đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 thì đất Hòa Lạc có mới tăng giá trở lại. Nhưng sau đó lại chững lại cho tới cuối 2019 sôi động trở lại.