Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân

Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân
TP - Sau đây là phần tiếp theo bài phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Đặt, Đổi tên Đường phố Hà Nội).

>> Kỳ trước

Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân ảnh 1
Một góc phố Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Không thiếu tên danh nhân để đặt

Có ý kiến cho rằng việc đặt tên đường phố mới ở Hà Nội thấy thiếu vắng tên người?

Tính đến tháng 6/2008, trước khi mở rộng địa giới, Hà Nội có 747 đường, phố, công trình công cộng được đặt tên, trong đó có  312 đường phố mang tên danh nhân, 323 đường phố mang tên địa danh, 77 đường phố mang tên nghề cổ truyền và 35 đường phố mang tên sự kiện lịch sử và các dạng tên khác.

Hà Nội là thủ đô nên, ngoài những danh nhân tiêu biểu của mình, phải có mặt các danh nhân tiêu biểu của cả nước, kể cả danh nhân chính trị, văn hóa người nước ngoài. Do vậy sẽ không thiếu tên danh nhân để đặt đâu.

Trong tài liệu “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc đặt tên đường phố, công trình công cộng, văn hóa ở Hà Nội từ nay đến năm 2020” (đề tài nghiên cứu cấp thành phố do tôi làm chủ nhiệm, đã được nghiệm thu, một dạng ngân hàng dữ liệu), còn hơn 300 hồ sơ tên danh nhân các loại đã lập xong nội dung chi tiết để phục vụ cho việc đặt tên đường phố. Ấy là chưa kể ngân hàng này, cùng với thời gian, sẽ được bổ sung thêm.

Về mặt pháp lý, Hà Nội đặt tên đường phố theo quy định nào?

Ngay từ năm 1998, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế về việc đặt đổi tên đường phố trên địa bàn.

Năm 2001 quy chế ấy lại được sửa đổi, bổ sung. Ngày 11/7/2005 Chính phủ có Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành quy chế để quy định việc đặt, đổi tên đường phố công trình công cộng tại các đô thị trong cả nước.

Ngày 20/3/2006, Bộ VHTT có thông tư số 36/2006/ TT-BVHTT hướng dẫn việc thực hiện một số điều trong quy chế. Về đại thể quy chế của Hà Nội cũng giống quy chế chung của trung ương. Nhưng vì thủ đô là đô thị đặc biệt nên trước khi quyết định phải xin ý kiến của Bộ VH&TT nay là Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch (VHTT&DL).

Xin chị cho biết việc đặt tên một đường phố ở Hà Nội được tiến hành như thế nào để đảm bảo tính đúng đắn, khoa học?

Hằng năm, Sở VHTT&DL Hà Nội thống kê danh mục tên đường phố, công trình công cộng do các quận huyện đề nghị.

Sau đó tổ chức đoàn công tác liên ngành gồm năm sở chức năng (Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên&Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, v.v) cùng với các quận huyện đi khảo sát thực địa để đánh giá thực trạng rồi lập hồ sơ chi tiết.

Sau đó lấy ý kiến các tổ chức, cơ quan khoa học (Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN, Hội Khoa học Lịch sử VN, và các ban, ngành chức năng của thành phố).

Ý kiến được đưa ra để Hội đồng Tư vấn tranh luận rồi công bố công khai để nhân dân tham gia ý kiến. Tiếp đó, báo cáo UBND thành phố, xin ý kiến Bộ VHTT&DL. Cuối cùng trình HĐND để ra nghị quyết, và UBND thành phố ra quyết định thực hiện.

Trên thông, dưới vẫn có thể bác

Có trường hợp nào Bộ VHTT&DL đã có văn bản đồng ý rồi mà cuối cùng HĐND TP  không duyệt ?

Mới đây, quận Long Biên có thôn Quán Tình nên chính quyền và nhân dân địa phương nhiều năm đề nghị lấy nguyên địa danh Quán Tình để đặt tên cho phố Quán Tình. Nhưng cuối cùng HĐND TP không chấp thuận vì có ý kiến cho rằng tên đó có phần nhạy cảm.

Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân ảnh 2Tôi mong Báo Tiền Phong mở chuyên mục phố phường Hà Nội để lấy ý kiến bạn đọc trong và ngoài nước và những ai nhiệt tâm với quy hoạch đặt tên đường phố Hà Nội, giới thiệu lịch sử phố phường thủ đô, các địa danh, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, các làng nghề truyền thống.Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân ảnh 3 - TS Nguyễn Thị Dơn

Nhiều tên cổ khác cũng chịu chung số phận như Trừng Thanh (ngại khi nói lái thành thanh trừng), Cơ Xá (ngại liên tưởng đến cơ hàn), Nhân Mục (ngại gợi đến sự mục nát), Lủ Cầu (liên tưởng tới cầu tiêu). Chắc hẳn với thời gian, khi ta có cái nhìn đúng đắn hơn, tên những địa danh cổ sẽ được lưu giữ lại cho mai sau.

Lại có ý kiến đề xuất việc lấy tên nhân vật nước ngoài, chẳng hạn, luật sư Loseby (Anh) và anh Morison (Mỹ), để đặt tên cho đường phố Hà Nội?

Cá nhân tôi thấy đề xuất lấy danh nhân người nước ngoài đặt tên là rất có ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế. Trước đây cũng có ý kiến đề nghị đưa tên Alexandre de Rhodes. Ở Hà Nội đã có một số đường phố, vườn hoa mang tên danh nhân chính trị, văn hóa nước ngoài như V.I Lenin, Indira Gandhi, Alexandre Yersin, v.v.

Trong ngân hàng dữ liệu của chúng tôi còn có tên danh nhân Tôn Trung Sơn, Suphanuvong, Che Guevara, Henri Gourdon (Tổng Giám đốc Học chính đầu tiên của Pháp ở Đông Dương, người có công trong việc lập ra Đại học Đông dương, tiền thân của ĐHQG VN bây giờ), Victor Tardieu (Hiệu trưởng Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), phi công vũ trụ người Nga đầu tiên bay vào vũ trụ Yuri Gagarin,v.v. Có thể những tên đó sẽ xuất hiện trên đường phố Thủ đô.

Công việc của chị nghe ra cũng phức tạp?

Việc này vốn không đơn giản chút nào. Xét cho cùng đây là một hình thức tôn vinh, một loại hình sử xanh, bia đá.

Cuộc sống càng phát triển, con người càng có nhiều nhu cầu cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều đơn thư đề nghị danh nhân dòng họ được đặt tên cho đường phố thủ đô. Họ không chỉ gửi cho chúng tôi mà còn gửi khắp nơi. Thế tất sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa nhu cầu đặt tên và các tiêu chí. Mà ai cũng muốn đề nghị của mình có kết quả.

Chưa hết đâu. Nhiều trường hợp gia đình danh nhân có những yêu cầu như phải đặt tên thân quyến của họ ở đường này, đường kia mới xứng đáng. Có trường hợp đã được đặt rồi, lại đòi đặt lại ở đường  khác đẹp hơn, dài rộng hơn.

Nhiều nước đã làm thế này, dưới tên danh nhân ghi năm sinh, năm mất và tóm tắt công tích?

Ngay cả trường hợp có thay đổi, người ta vẫn giữ nguyên biển cũ bên cạnh biển mới để tiện theo dõi và cũng là cách ghi nhận dấu ấn có tính lịch sử.

Hà Nội có nhiều cuốn sách viết về lịch sử phố phường thủ đô. Cứ vài năm lại phải biên soạn để bổ sung. Tôi cũng đang tham gia cùng với nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, TS Nguyễn Viết Chức biên soạn cuốn Từ điển Đường phố Hà Nội (thêm cả phần Hà Nội mở rộng). Hy vọng góp một phần vào việc tra cứu tìm hiểu về đường phố Hà Nội.

Tôi nghĩ ở các trường tiểu học và trung học cơ sở nên dành thời gian cho các em học địa phương học. Không khó khăn gì, nếu ta tổ chức ngoại khoá cho học sinh tìm hiểu thủ đô thông qua tên đường phố Hà Nội.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện lý thú này.

Hội đồng Tư vấn Khoa học Đặt, Đổi tên Đường phố Hà Nội có 25 thành viên do  bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, làm chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ đặt, đổi tên đường phố trước khi trình UBND - HĐND Thành phố xem xét.

Thành viên của hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan chuyên môn (Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên&Môi trường, Sở Giao thông Vận tải), Hội Khoa học Lịch sử, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, và các đoàn thể khác. Cơ quan thường trực của Hội đồng Tư vấn là Sở VHTT&DL.

Nguyễn Bắc Sơn
thực hiện

MỚI - NÓNG