Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh:

Đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) đã hệ thống lại cả một chiều dài lịch sử, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng, đến giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh các thành tựu trong công cuộc đổi mới: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh đến công tác cán bộ. Điều này rất quan trọng, bởi công tác cán bộ luôn là “then chốt của then chốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng. Trong công tác cán bộ, chúng ta đã tiến hành quy hoạch, đào tạo qua việc mở nhiều lớp nguồn để bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác cán bộ ảnh 1

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng lưu ý tập trung làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Cùng với các giải pháp, biện pháp đã đề ra, theo tôi, cần tiếp tục dân chủ hóa hơn nữa trong công tác cán bộ. Tức là phải phát huy được “tai mắt” từ cơ sở, để giám sát và phát hiện, giới thiệu đội ngũ cán bộ có đức, có tài, để qua đó đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công việc phù hợp. Chủ trương này rất phù hợp và việc này đã được làm, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn cần phải yêu cầu cao hơn, đòi hỏi chúng ta phải tích cực và làm tốt hơn.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên được coi là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Do vậy, tôi cho rằng, cùng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ phải tiếp tục rèn luyện, nêu gương trong mọi hoạt động. Trách nhiệm nêu gương luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Nhân dân sẽ nhìn vào cán bộ, đảng viên để học tập, noi theo và trong cơ quan đơn vị cũng vậy, cấp dưới luôn nhìn vào cấp trên để học tập, nêu gương.

Đây là phương thức, yêu cầu rất hợp lý đối với cán bộ lãnh đạo và trong bài viết, Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh đến việc phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình…

MỚI - NÓNG