Nặng công, nhẹ tư
Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đồng tình với phương án mở rộng phạm vi ra ngoài khu vực nhà nước. Bởi thực tiễn, tham nhũng không những nằm trong nhà nước mà còn lan tỏa ra ngoài khu vực nhà nước, rất phức tạp, khó kiểm soát, nhất là đối với lĩnh vực vay vốn đầu tư, ký kết hợp đồng kinh tế, hay các khoản chi không chính thức…
Theo ông Mão, sự móc nối liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày càng phổ biến, thậm chí còn trở thành “đối tác” dịch vụ cho cơ quan nhà nước thông qua các hợp đồng kinh tế. Chính bởi các mối quan hệ công- tư này đã xuất hiện hành vi tham nhũng tiêu cực, như đưa hối lộ, hoa hồng, quà biếu… Từ đó tài sản tập thể rơi vào túi cá nhân ở từng cấp độ, từng khu vực.
Mặt khác, ông Mão cũng cho rằng, việc mở rộng phạm vi như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Phòng chống tham nhũng mà Việt Nam đã ký kết. Quy định như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi, đầy đủ, ông Mão đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn, tránh việc lạm quyền, nhũng nhiễu của cán bộ công chức nhà nước, làm ảnh hưởng đến quyền tự do sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Đồng tình với phương án mở rộng phạm vi, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện đang có tình trạng “nặng công, nhẹ tư”. Trong khi đó, thất thoát lớn nhất hiện nay nằm ở các dự án về đất đai, khoáng sản, thuế, tín dụng ngân hàng, rồi các dự án BT, BOT… Thất thoát trong các lĩnh vực này thường bắt đầu từ cơ chế chính sách, nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để bịt được dòng chảy thất thoát này. “Lĩnh vực công thường quan hệ với tư, nếu không ngăn chặn được tư sẽ không ngăn chặn được công, từ đó không ngăn chặn được thất thoát, tham nhũng”, ông Phớc cho hay.
Áp thuế hay xử phạt hành chính?
Đề cập đến giải pháp xử lý tài sản thu nhập không hợp lý, Trưởng Ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc cho rằng, cái vướng hiện nay là việc xác định: Thế nào là tài sản hợp lý? Thế nào là tài sản không hợp lý? Thế nào là giải trình hợp lý, không hợp lý? Vì theo ông Trạc, điều này còn phụ thuộc vào phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông Trạc cho rằng, nếu không có sự giải thích hợp lý thì rất khó áp dụng khi luật được thông qua.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) đồng tình với phương án theo con đường thu thuế với mức 45%. Bởi theo ông Mão, đối với loại tài sản thu nhập không giải trình được, nhưng nhà nước cũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản bất hợp pháp, nên phải nộp thuế thu nhập. Phương án này tối ưu, phù hợp trong điều kiện hiện nay và cũng phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân. Cũng theo ông Mão, phương án này lại không xung đột, mâu thuẫn với quy định hiện hành về pháp luật hình sự và dân sự. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ không phải sửa đổi một loạt các văn bản vừa được Quốc hội thông qua, như Bộ Luật hình sự, Bộ Luật dân sự, hay các văn bản liên quan khác.
Tuy nhiên, ông Mão cũng đề nghị dự thảo phải quy định bổ sung về xử lý trách nhiệm hành chính với cán bộ trong việc không kê khai tài sản một cách minh bạch. Nghĩa là, ngoài truy thu bằng con đường thuế thu nhập phải kèm theo chế tài về nhà nước, xử lý cán bộ công chức, viên chức để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi cao.
Đồng tình với phương án áp thuế thu nhập cá nhân, ông Hồ Đức Phớc cho rằng, đây không phải tài sản bất hợp pháp mà là tài sản không giải trình được, vì không kiểm soát đầu vào. Ông ví dụ một cán bộ có các loại thu nhập ngoài lương, như tiền họp hành thêm giờ, thu nhập từ nghiên cứu đề tài khoa học, hay tham gia giảng dạy… Họ tích lũy nhiều năm và không thống kê, không giải trình được. theo ông Phớc, trong trường hợp này áp dụng theo Luật thuế thu nhập cá nhân là phù hợp.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cũng cho rằng, áp dụng bằng thuế thu nhập là phương án tối ưu nhất, cũng đảm bảo sự công bằng. Còn nếu theo phương án xử phạt vi phạm hành chính, nhà nước phải xác lập hành vi vi phạm mới được xử phạt, rất phức tạp. Tuy nhiên, ông Cầu cũng đề nghị ban soạn thảo cần đề cập xem kinh nghiệm ở các nước xử lý như thế nào đối với loại tài sản này.
Nói về kinh nghiệm các nước, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết, ở các nước như Trung Quốc, Singapore thường vừa phạt tù vừa phạt tiền. Hay như ở Nga cũng xử lý bằng tố tụng dân sự, nhưng bắt buộc phải thông qua tòa án. Cho rằng, cả hai phương án đều khó khả thi, đại biểu Thủy nghiêng về phương án xử lý loại tài sản này bằng con đường tư pháp.
Đề nghị mở rộng diện kê khai tài sản
Về phạm vi đối tượng kê khai tài sản, đại biểu Đinh Duy Vượt cho rằng quy định như dự thảo luật là quá rộng, và như thế sẽ không hiệu quả. “Nếu bảo tôi chỉ cho cơ quan, đối tượng nào dễ xảy ra tham nhũng ở tỉnh, tôi chỉ ra được ngay. Nên tập trung vào đấy, chứ chiếu theo hệ số phụ cấp, các ông dân vận, mặt trận, phụ nữ, thanh niên... cũng cao đấy, nhưng tham nhũng vào đâu. Trong khi mấy ông thuế, địa chính chẳng hạn, ghê gớm lắm chứ không đơn giản. Chúng ta đừng “ném cát bụi tre”, vơ một nắm thì không tập trung được đúng đối tượng”, đại biểu khuyến nghị.
Cùng đồng ý với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng nên liệt kê cụ thể những đối tượng cần kê khai thay vì quét bằng hệ số phụ cấp, vì “một phẩy mấy ở dân vận khác không phẩy mấy ở thuế hay cán bộ đất đai ở phường, xã”. “Như tôi thường xuyên nhận phong bì, một ngày nhận mười mấy phong bì của người dân, nhưng toàn đơn thư tố cáo. Thu hẹp vào thì chất lượng thanh tra, kiểm tra xử lý sẽ hiệu quả hơn”, đại biểu Hải nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ sự đồng tình mở rộng đối tượng cán bộ kê khai tài sản. Ông Thể phân tích vì hôm nay họ là một cán bộ bình thường nhưng có thể 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm sau lại là cán bộ lãnh đạo. Do đó, theo dõi tài sản cán bộ phải theo dõi ngay từ đầu để sau này có cơ sở xử lý cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm. “Hiện nay đã có quản lý cán bộ bằng công nghệ thông tin, toàn bộ các dữ liệu có thể lưu trữ một cách dễ dàng để theo dõi được cán bộ từ lúc bắt đầu vào làm việc (tại Nhà nước hoặc các cơ quan có tài sản, ngân sách Nhà nước). Khi có một dữ liệu lớn như vậy thì các cơ quan phòng chống tham nhũng có thể căn cứ vào một số đối tượng có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận để tiến hành xem xét lại tài sản của cán bộ đó. Chứ còn nếu đợi đến lúc bổ nhiệm mới bắt phải kê khai thì rõ ràng sẽ có một khoảng trống rất lớn và như thế thì việc kiểm soát tài sản của một cán bộ rất khó”, ông Thể bình luận.
Từ đó, ông đề nghị: “Ngoài cán bộ công chức, viên chức thì tất cả cán bộ trong doanh nghiệp Nhà nước, trong các cơ quan, tổ chức mà có sử dụng, quản lý ngân sách Nhà nước, tài sản Nhà nước… đều thuộc diện liên quan phải kê khai tài sản”.
Cần làm rõ tính pháp lý “khối tài sản khủng”
của gia đình bà Hồ Thị Kim ThoaVới kết luận của Ủy ban Kiểm tra T. Ư về những sai phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn vào khối tài sản khổng lồ của gia đình bà Thoa, công luận vẫn cần một câu trả lời: Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán DQC), liệu tài sản Nhà nước có bị thất thoát về tay gia đình bà Thoa? Nhân dân rất kỳ vọng việc kê khai tài sản không trung thực của bà Thoa mau chóng được làm sáng tỏ.
Như Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khi trả lời báo chí cũng cho rằng: “Muốn biết sự thật thì phải kiểm tra. Để trả lời công luận, có mấy việc cả cơ quan chủ quản, và bản thân bà Thoa phải chứng minh, đó là nguồn gốc tài sản ấy ra sao? Nếu chứng minh được tài sản đó chính đáng, thì phải trả lời cho dư luận biết, và cũng là để thanh minh cho bà ấy. Còn nếu có những cái không rõ nguồn gốc thì xem xét, để các cơ quan khác vào cuộc”.
Chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước không thể thực hiện nửa vời. Rút kinh nghiệm từ tình trạng “đúng quy trình” phổ biến ở Việt Nam, cần làm rõ góc khuất, đen tối của nhóm lợi ích đang bòn rút tiền thuế của dân. Công luận cần một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan có thẩm quyền là vô cùng cần thiết. Dư luận sẽ khó có thể chấp nhận sự thất thoát tài sản của Nhà nước, khi tài sản đó chưa bị thu hồi, bởi gánh nặng nợ công đang tăng, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn...
PGS. TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế
“Lĩnh vực công thường quan hệ với tư, nếu không ngăn chặn được tư sẽ không ngăn chặn được công, từ đó không ngăn chặn được thất thoát, tham nhũng”.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc