Đào tạo sinh viên Sư phạm như trường Y: Nên hay không?

Ảnh mang tính minh họa.
Ảnh mang tính minh họa.
TPO - Trước kiến nghị của lãnh đạo một trường THCS, sinh viên Sư phạm nên được thực hành nhiều như sinh viên Y, tránh lý thuyết suông như hiện nay, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng,  nên có cách tiếp cận đào tạo kép trong đào tạo giáo viên.

Tại hội thảo "Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông" vừa được tổ chức ở Đại học Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra bất cập về giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay.

Ông Chiến kiến nghị sinh viên Sư phạm thực hành nhiều như sinh viên Y, tránh lý thuyết suông như hiện nay.

Theo ông Chiến, đa số giảng viên trường sư phạm là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông. Khi đi dạy sinh viên sư phạm, những giảng viên này khá yếu ở mặt kinh nghiệm thực tiễn, đa phần là lý thuyết suông.

Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đó là một kiến nghị hoàn toàn hợp lý.

Nên có cách tiếp cận đào tạo kép

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT),  nên có cách tiếp cận đào tạo kép trong đào tạo giáo viên. Bởi lẽ, việc đào tạo sinh viên sư phạm sẽ một phần thời gian đào tạo ở trường, phần còn lại đào tạo tại trường phổ thông. Cần tăng cường thời lượng thực hành để giáo sinh có kỹ năng sư phạm cũng như những năng lực dạy học khác.

Cũng theo TS Vinh, việc dạy lý thuyết quá nhiều lại ít ứng dụng trên thực tế trường học khiến giáo viên chỉ có thể có kiến thức, lý thuyết. Nhưng để có kỹ năng thì phải thực hành nhiều hơn. Việc thực tập có kèm cặp ở trường phổ thông cũng cần đánh giá quan trọng như học trên lớp.

Ông Vinh cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia thì thời gian thực tập dạy học của giáo sinh khoảng 10 tuần. Thời gian thực tập cần coi là phần tích hợp của một chương trình đào tạo.

"Trong thời gian này giáo sinh được các giáo viên có kinh nghiệm giúp đỡ và giám sát. Theo kinh nghiệm của Singapore việc thực tập được đánh giá qua các tiêu chuẩn đầu ra rất rõ ràng, không bị ràng buôc bởi kiến thức nội dung đơn giản"- ông Vinh nêu quan điểm.

Nên thay đổi cách quản lý giáo viên

Trước ý kiến không chỉ những sinh viên được giữ lại làm giảng viên mà cả sinh viên sẽ đi dạy ở các trường phổ thông cũng cần trải nghiệm thực tế đủ nhiều. TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, kiến nghị để sinh viên Sư phạm nên được thực hành nhiều, tránh lý thuyết suông như hiện nay cũng chưa phải là điều quan trọng. 

Vì theo bà Hương, từ trước đến nay các sinh viên trường Sư phạm vẫn có thời gian thực hành.

"Sinh viên sư phạm có 1 kì đi dạy ở trường phổ thông và mỗi kì học (từ năm 1) đều có vài buổi xuống trường trong tuần. Tuy nhiên, sau này khi đã ra trường làm giáo viên, cách dạy của nhiều người vẫn rất khô cứng, máy móc", TS Hương minh chứng.

Theo TS Hương, vấn đề của đào tạo giáo viên Việt Nam không phải là thiếu thực hành hay ở việc không tạo ra được giáo viên giỏi. “Tôi cho rằng những kiến thức về vụ nghiệp vụ sư phạm không quá khó. Với cách đào tạo như hiện nay các sinh viên sư phạm ra trường đều đảm nhận tốt. Vấn đề đào tạo sư phạm ở mình không tệ, mà tệ ở chỗ chúng ta quản lý giáo viên kém”- TS Vũ Thu Hương nói.

Bà Hương cho rằng, ở Việt Nam đang quản lý giáo viên kiểu áp đặt. Nên dù trong trường đào tạo theo kiểu gì, thực hành ít hay nhiều thì sau đó họ cũng đi dạy học theo lối mòn và kiểu tư duy bị áp đặt.

"Điều quan trọng vẫn là cần thay đổi môi trường làm việc của giáo viên chứ không nên đặt ra nên coi nặng về tăng tính thực hành. Còn việc đào tạo giáo viên của các trường sư phạm ở Việt Nam không kém"- bà Hương nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.