Đinh Văn K’rể bất ngờ đột quỵ tại Trường tiểu học Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi, vào ngày 5/11.
Ngay sau khi K’rể có những biểu hiện lạ, các thầy cô lập tức đưa em đến Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi điều trị. Dù rất cố gắng nhưng đến sáng 9/11, K’rể đã qua đời.
Hiện tại K’rể đã được đưa về quê nhà xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Đi cùng em là những người thương yêu K’rể, trong đó có thầy Đặng Văn Cương, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Ba, người nhiều năm chăm sóc và nuôi dưỡng K’rể.
Cậu bé K'rể (12 tuổi, người dân tộc Hơ rê) là con thứ hai của anh Đinh Văn An và chị Đinh Thị Pia. Khi chào đời em chỉ dài khoảng một gang tay. Đến năm 5 tuổi, K'Rể chỉ nặng 3kg, cao 50cm, cả ngày ăn được vài muỗng cơm. Do em chỉ đi được vài bước nên cha mẹ phải luôn địu trên lưng. Các bác sĩ năm đó chẩn đoán K'Rể mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim).
Có lẽ cậu bé ấy sẽ chẳng được đến lớp, chẳng được vui chơi cùng bạn bè cho đến khi em gặp được thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Thầy gặp K'rể cách đây 5 năm trong 1 lần tới thôn Gò Da vận động học trò đến trường, từ đó thầy Cương và K'rể đã viết lên câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi rẻo cao.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, trong chương trình Thay lời tri ân được Bộ GD&ĐT phối hợp cùng VTV thực hiện năm 2017, gặp K’Rể và thầy Đặng Văn Cương tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hẹn một ngày gần nhất sẽ đến tận nơi để thăm thầy và trò Trường Tiểu học Sơn Ba. Ngày 30/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thực hiện lời hứa của mình.
Thầy Đặng Văn Cương cho biết năm K'Rể tròn 7 tuổi (2015), thầy đã đón em về sống cùng với thầy tại nhà công vụ của nhà trường và bắt đầu hành trình gieo hy vọng cho em.
Thầy Cương còn nhớ, khi đến nhà em, mọi người ở bản gọi em là Toọc (con khỉ) vì hình dáng đặc biệt của em. Lúc đó, K’Rể chỉ nặng 3.4kg và cao 58cm. Đưa về trường dạy dỗ, thầy Cương bắt đầu viết những “nét” đầu tiên lên “tờ giấy trắng” K’Rể.
Một ngày của hai thầy trò bắt đầu từ 5h30 sáng. Thầy Cương có thuận lợi là ở nội trú cùng với các học sinh nên rất dễ dàng chăm sóc K’Rể. K’Rể được thầy gọi dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục, ăn sáng, 7h15 lên lớp.
“Dạy cho K’Rể những kỹ năng sống không đơn giản. Từ chuyện ăn, ở nhà K’Rể chỉ ăn bốc, đến trường, dạy em cầm thìa cũng rất khó khăn. Tay K’Rể rất yếu, em mỏng manh lắm” – thầy Cương kể.
Rồi đến chuyện vệ sinh cá nhân hàng ngày cũng thế. Cho đến giờ, thi thoảng K’Rể vẫn tè dầm buổi đêm.
Sau hơn hai năm ở với thầy Đặng Văn Cương, Đinh Văn K’Rể đã có những kỹ năng cần thiết của một đứa trẻ. Em cũng đã viết được chữ O, viết được số 1, nói được một số từ đơn. Nhưng em hiểu hết những gì thầy cô, bạn bè xung quanh nói chuyện.
Hàng ngày, K’Rể rất thích chơi đá bóng cùng các bạn. Hình ảnh có một cậu bạn tí hon trong lớp hay trong sân trường không còn lạ đối với học sinh trường tiểu học Sơn Ba. Kể cả với các bạn cùng lớp, K’Rể giống như một đứa em bé bỏng. Chính vì vậy, chuyện các bạn giúp K’Rể mặc quần áo chỉnh tề trước khi đến lớp không lạ lẫm gì.
Thầy Phạm Thanh Hiền, Hiệu phó trường tiểu học Sơn Ba cũng cho biết, ở trường, K’Rể hay gọi thầy Cương là “ba” thầy Hiền là “bá”. Mỗi giờ học kết thúc, K’Rể cũng hay xà vào lòng thầy Hiền hay thầy Cương ngồi. Thi thoảng, thầy Hiền cũng đưa K’Rể đi chơi.