Có nên tách ra thành hai luật?
Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về hai dự án: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều ý kiến băn khoăn lo ngại trong việc tách thành hai dự án luật như vậy.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn, điều ông muốn nghe nhất là tại sao chúng ta lại tách ra thành hai luật, thì Bộ trưởng GTVT lại chưa đề cập.
Tán thành phải sửa luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên theo ông Tùng, có tách ra không, khi Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình không có luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Nhưng ở thời điểm đó, dư luận, báo chí bắt đầu thông tin về dự án luật, về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nên khi dự kiến trình đã ràng buộc là phạm vi điều chỉnh như luật Giao thông đường bộ. Nếu thêm luật thì phải trình cùng lúc 2 luật.
Chính phủ rất cố gắng trong phạm vi điều chỉnh 2 luật. Hồ sơ trình hai luật cố gắng phân định, Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ. Còn Luật Bảo đảm an toàn giao thông thì quy định quy tắc giao thông, phương tiện giao thông, tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy giao thông…
“Nhìn như thế chúng ta đã thấy có nội dung trùng rồi, ví dụ như phương tiện giao thông. Nói là trùng thì cũng nói rõ hơn là mỗi luật điều chỉnh ở phạm vi khác nhau chứ không phải là y như nhau”, ông Tùng ví dụ, cùng là phương tiện giao thông nhưng dự án Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh an toàn kỹ thuật, tức là đăng kiểm, môi trường; còn phương tiện giao thông của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì dưới góc độ đăng ký xe, cấp biển số xe”, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, khi điều chỉnh cụ thể vào điều khoản lại gây chồng chéo, phân định rất khó.
Mục tiêu sửa luật Giao thông đường bộ ban hành luật mới về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cuối cùng là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, quy tắc giao thông và hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo đảm an toàn giao thông.
“Cái tổng thể của giao thông bao gồm hai yếu tố cấu thành: tĩnh và động. Liệu chúng ta có tách được hai cái này ra không để điều chỉnh trong hai luật mà nó không liên quan tới nhau và đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông?”, ông Tùng đặt câu hỏi.
Tôi đọc 2 luật thấy một số vấn đề rất chồng chéo. Chồng chéo dẫn tới mỗi ngành đều phụ trách nội dung có chồng chéo. Không biết các bên sẽ phối hợp với nhau thế nào, chưa nói tới tinh gọn bộ máy, một việc chỉ 1 cơ quan làm, rồi hiệu quả như thế nào, chi phí có đội lên không
2.000 cán bộ cấp giấy phép đi đâu về đâu?
Riêng về quản lý cấp phép, ngành GTVT có khoảng 2.000 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ cấp giấy phép, nếu chuyển toàn bộ sang ngành Công an, chắc chắn không chuyển sang được vì đó là lĩnh vực khác, bên này không có quân hàm mặc dù có quân phục. Thế thì 2.000 người đó anh Nguyễn Văn Thể (Bộ trưởng GTVT) thải ra ngoài hay tiếp tục sử dụng việc khác? Thế biên chế đấy có phải dư không, có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?”, ông Tùng đặt hàng loạt câu hỏi.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phân tích, quan điểm của Chính phủ cho rằng, kết cấu hạ tầng giao thông – gọi là phần tĩnh, trật tự an toàn giao thông (gồm người điểu khiển phương tiện giao thông, người tham gia giao thông) – gọi là phần động. Do đó, có dự kiến tách lĩnh vực giao thông đường bộ để ban hành hai chuyên ngành luật. Trong đó phần tĩnh giao cho Bộ GTVT và phần động chuyển Bộ công an quản lý.
“Tôi băn khoăn cách lý luận như thế cả về thực tiễn và khoa học. Tĩnh và động là 2 mặt của vấn đề, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học như thế”, đại biểu chia sẻ.
Theo ông Phong, một trong những điểm đáng chú ý là giao thẩm quyền đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Lý do được đưa ra trong tờ trình là do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực. Tuy nhiên, nói về vấn đề này, theo ông Phong “ngành nào chẳng có”.
“Cần tăng cường kiểm tra, xử lý thôi, nói mà chuyển hết qua thì sổ đỏ cũng có giả, chứng minh thư cũng có giả, hộ chiếu cũng có giả, bằng cử nhân, thạc sĩ cũng có giả... Nếu để cho thật hết thì chuyển hết qua công an”.
Đại biểu Phong dẫn chứng thêm, hiện chỉ có 3 – 4 nước giao vấn đề quản lý này cho công an còn lại hơn 40 nước thuộc ngành giao thông quản lý. Đặc biệt, đây là một chính sách lớn cần đánh giá kỹ trong cả 2 dự án luật. Nếu chuyển thẩm quyền cấp giấy phép lái xe có thể gây ra “hệ lụy lớn”.
“Có một thực tế, cả nước có hơn 2.000 cán bộ công chức trong đó có khoảng 600 cán bộ công chức là nhà quản lý, khoảng 1700 viên chức công chức làm nhiệm sát hạch. Nếu chuyển đổi, lực lượng này này có sang Bộ Công an không hay giải tán? Họ sẽ đi đâu về đâu?”, đại biểu hỏi.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với nhiều ý kiến của các đại biểu. Theo ông, sau buổi thảo luận này cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp bao nhiêu chương, bao nhiêu điều, sửa thế nào?...
Với việc xây dựng luật như vậy, theo ông Kiên có thể sẽ dẫn tới tình trạng “không tin ai cả”, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt. “Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn. Theo phương pháp luận thế này thì ta phải làm thế”, ông Kiên nhận định quan điểm cá nhân.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết: Luật Giao thông đường bộ, rất quan trọng với chúng ta hiện nay. Việc tách hai luật từ Luật Giao thông đường bộ ra nhằm giải quyết 2 vấn đề: Tập trung phát triển về hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo Bộ trưởng, vi phạm giao thông là phổ biến, ra ngoài đường là có thể nhìn thấy, ai cũng có thể vi phạm, mà hậu quả của vi phạm giao thông rất lớn. Thống kê các vụ tai nạn, người chết, người bị thương, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Đảng, Nhà nước xác định, trật tự ATGT là một bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. Ngành công an không thể đứng ngoài việc quản lý trật tự án giao thông được.
Từ đó, chúng tôi đề xuất được Chính phủ, các cơ quan của quốc hội rất đồng thuận. Các cơ quan của Đảng đồng thuận, chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc này. UỶ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận. Đặc biệt, 2 Bộ chủ quản cũng rất đồng tình, tán thành việc tách làm 2 dự thảo luật. Hai Bộ đã nhiều lần làm việc với nhau, thảo luận về nội dung này và rất đồng tình.