Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn: Thách thức và cơ hội

TP - Năm 2024 chứng kiến hiện tượng hàng loạt trường đại học (ĐH) từ công lập đến tư thục mở ngành vi mạch bán dẫn để tuyển sinh. Các trường đã kịp thời bắt “trend” nhưng theo các chuyên gia trong ngành, để đào tạo được ngành học này không đơn giản như những ngành khác.

Bài 1: Ngành hot nhưng… không dễ

Khi nhà trường phải tự đổi mới

Để đón đầu cơ hội từ làn sóng đầu tư từ các “đại bàng’’ thế giới, nhiều trường ĐH đã chính thức mở ngành và tuyển sinh ngành Vi mạch bán dẫn từ năm nay như: Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp); Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (thuộc ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM); Trường ĐH Cần Thơ… Một số trường tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành Điện tử viễn thông hoặc Khoa học máy tính, như: Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Lạc Hồng.

Đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn: Thách thức và cơ hội ảnh 1

Chương trình Kĩ thuật vi điện tử và Công nghệ nano của ĐH Bách khoa Hà Nội ra đời tập trung vào lĩnh vực chế tạo sản xuất

Trước những yêu cầu mang tính đặc thù của ngành vi mạch bán dẫn, bản thân những người trong cuộc cũng nhận thấy việc đào tạo nhân lực đòi hỏi cơ sở đào tạo phải có cả năng lực và tiềm lực mạnh mẽ về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm (PTN), chương trình đào tạo, đội ngũ giảng dạy, mạng lưới hợp tác... Trong đó, nhiều trường gặp khó khăn nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho đào tạo (giáo viên), cơ sở vật chất, chương trình đào tạo…

Trong thời gian qua, một số trường đã tìm đến sự hỗ trợ bên ngoài trường. Trường ĐH Lạc Hồng đã gửi giáo viên đi đào tạo, tham gia trực tiếp quy trình sản xuất và lớp học thiết kế chip bán dẫn... Trường cũng mua phần mềm và thiết kế vi mạch bán dẫn của Synopsys và phần cứng đi kèm để phục vụ công tác đào tạo, phối hợp cùng ONSEMI để đào tạo tại trường và gửi sinh viên đi thực tập trực tiếp trên dây chuyền sản xuất của công ty… Trường còn hợp tác với Trường ĐH Bang Azirona (Mỹ) và nhiều trường ĐH ở Đài Loan (Trung Quốc) để chuyển giao chương trình đào tạo thiết kế chip cũng như hợp tác để đào tạo giáo viên cho trường.

Có lợi thế đã hợp tác với các ĐH hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Đức. Trường ĐH Việt Đức bắt tay với Trường ĐH Stuttgart (CHLB Đức) đào tạo về kĩ thuật bán dẫn và hệ thống vi mạch. Cụ thể, sinh viên của trường có thể tham gia học kì trao đổi tại ĐH Stuttgart để học chuyên sâu về công nghệ bán dẫn, hệ thống vi điện tử và thiết kế chip. Sinh viên sẽ được học tập, làm việc trong các hệ thống phòng thí nghiệm rất hiện đại của ĐH Stuttgart.

Một khó khăn nữa của ngành Vi mạch bán dẫn là kén người học. Ví dụ như ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn đòi hỏi sinh viên phải có năng khiếu tự nhiên, năng lực suy luận, năng lực Toán học, Vật lí học, Hóa học,… Những thí sinh không có năng khiếu và năng lực liên quan đến khoa học tự nhiên rất khó để vào và theo được ngành này.

Có hành lang pháp lí, cần tìm lối đi riêng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050". Theo quyết định, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ ĐH trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đào tạo ít nhất 42.000 kĩ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên cao học và 500 nghiên cứu sinh;

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc tập trung đào tạo kĩ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn là một hướng đi chiến lược, có yếu tố quyết định để có thể tận dụng cơ hội tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện chiến lược Make-in-Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, nhiều trường trên toàn quốc có chương trình đào tạo liên quan tới vi mạch bán dẫn. Nhưng ông Sơn cũng khẳng định việc ra đời một ngành đào tạo mới không hề đơn giản.

Theo ông Sơn, mã ngành cũng chỉ là một con số, việc ra đời một ngành đào tạo mới phải như thế nào? Nó chỉ có 2 cách, một là ngành lớn phát triển quá mạnh, phạm vi về kiến thức, nền tảng khoa học quá rộng và phân nhánh nên chúng ta cần có một ngành đào tạo mới. “Việc đào tạo ngành mới không hề dễ dàng. Giảng viên ngành mới có không hay vẫn là các thầy cô là giảng viên mạch điện, điện tử, thiết kế. Các trường rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, với điều kiện hiện nay, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.

MỚI - NÓNG
NSND Xuân Bắc giao lưu với 1.500 học sinh tại chương trình 'Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường'
NSND Xuân Bắc giao lưu với 1.500 học sinh tại chương trình 'Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường'
TPO - Thông qua chương trình "Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường" diễn ra sáng 30/9, báo Tiền Phong kêu gọi các nguồn lực xã hội chung tay giúp đỡ học sinh vùng cao chịu nhiều thiệt hại sau cơn bão số 3 và đợt lũ lụt lịch sử vừa qua. NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - tham dự chương trình và thông qua ban tổ chức trao nhiều phần quà ý nghĩa.