Đào tạo nghề cho người sau cai nghiện: Nhiều nhà xưởng bỏ trống

Đào tạo nghề cho người sau cai nghiện: Nhiều nhà xưởng bỏ trống
TP - Nhiều nhà xưởng bỏ trống, học viên đến học nghề nhưng không ai dạy. Trung tâm Hướng nghiệp Lao động Xã hội Thanh niên Hà Nội đang hoạt động cầm chừng từ sau Nghị quyết 16 của Quốc hội về đào tạo, giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai hết hiệu lực.
Đào tạo nghề cho người sau cai nghiện: Nhiều nhà xưởng bỏ trống ảnh 1
Các học viên tại trung tâm Hướng nghiệp Lao động Xã hội Thanh niên Hà Nội trong giờ làm việc Ảnh: Nguyễn Hà

Trung tâm Hướng nghiệp Lao động Xã hội Thanh niên Hà Nội (đào tạo, giới thiệu việc làm cho đối tượng sau cai) xã Xuân Nộn, Đông Anh hiện có hai xưởng làm việc với 100 học viên. Đó là xưởng may gia công và xưởng xếp bao bì xi măng.

Học viên làm việc 6 đến 7 tiếng/ngày, lương 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/tháng. Còn các xưởng mộc, sửa chữa xe máy, hàn xì bỏ trống gần năm nay.

Xưởng xếp bao bì xi măng của Trung tâm có khoảng gần 50 học viên. Nguyễn Việt Hải, sinh năm 1989 ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chỉ nặng 42 kg nên được phân về xếp bao bì, một công việc không mấy nặng nhọc. 20 tuổi, Hải bị liệt vào nhóm đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao nên được đưa về Trung tâm từ tháng 1/2009.

Trước đó, Hải từng cai nghiện hai lần ở Trung tâm số 2 và số 6. Bốn năm trong hai trung tâm kể trên, Hải học các nghề nấu ăn, may nhưng đến khi rời trung tâm là quên hết.

Nguyễn Mạnh Vũ, quê Thường Tín, học và theo nghề may gần hai năm ở Trung tâm. Hỏi về dự định sau khi rời khỏi Trung tâm, Vũ trả lời: “Sẽ làm việc khác, nghề may không đủ thu nhập để sống”. Nhiều học viên khác khi được hỏi đều trả lời, sẽ không theo nghề.

Xưởng may gia công do Cty Dệt may Thanh niên Hà Nội hợp tác đầu tư ban đầu là 100 bộ máy móc và 15 cán bộ kỹ thuật hàng ngày đến trung tâm hướng dẫn học viên làm việc. Hiện, có không đến 40 học viên lao động tạo ra sản phẩm, 60 bộ máy bỏ không gần cả năm nay.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám dốc Cty Dệt may Thanh niên Hà Nội, gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu thành lập. Cty bà hợp tác với Trung tâm chủ yếu là vì giúp đỡ tạo việc làm cho người sau cai. Sản phẩm học viên sau cai làm ra Cty chỉ bán được ở chợ với giá rẻ vì chất lượng kém.

Bà Phượng nói, Cty áy náy với mức lương chi trả cho lao động nhưng Cty không thể trả hơn vì chất lượng sản phẩm và thời gian làm việc ít.

Doanh nghiệp quay lưng

Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Đức Tuấn nói: “cần sàng lọc kỹ đối tượng đầu vào, đủ tiêu chuẩn học nghề, tạo cơ chế với doanh nghiệp để doanh nghiệp hợp tác và mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp tránh tình trạng học nghề ra không thể làm nghề. Có trường hợp được chọn về để đào tạo nghề nhưng động kinh ngày ba lần, nặng chỉ 38kg. Trung tâm lại phải điều trị, chăm sóc khó khăn cho việc lựa chọn, đào tạo nghề phù hợp”.

Trung tâm Hướng nghiệp Lao động Xã hội Thanh niên Hà Nội thành lập tháng 9/2006 theo quyết định của thành phố Hà Nội (thực hiện thí điểm Nghị quyết 16 của Quốc hội về giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai). Sau hai năm hoạt động, Nghị quyết 16 của Quốc hội hết hiệu lực.

Các học viên đang học dở chương trình thì phải chờ Luật Phòng chống ma túy sửa đổi, bổ sung. Trung tâm có 45 cán bộ nhân viên có khả năng, đào tạo nghề cho 1.000 học viên, song hiện chỉ có hơn 100 học viên vừa học vừa làm.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm, cho biết, hai tháng sau khi thành lập, Trung tâm có 536 học viên. Sau khi khám sức khỏe, phân loại chỉ có 218 đối tượng đủ tiêu chuẩn (trình độ, sức khỏe) theo học để cấp chứng chỉ nghề. Số còn lại buộc Trung tâm phải bố trí làm việc nhẹ như làm vàng mã, xếp bao bì, mây tre đan… Đó là chưa kể đến một số đối tượng sức khỏe quá yếu đến trung tâm chỉ có điều trị, chữa bệnh.

Học viên chuyển về rải rác, không tập trung để phân loại, tổ chức lớp học. Hết khóa hai năm, lại không có nhiều học viên mới nên doanh nghiệp muốn vào đầu tư cũng nản, quay lưng.

Một Cty của Đài Loan đầu tư sản xuất đồ mỹ nghệ được một thời gian rồi cũng rút hết. Nhiều doanh nghiệp xua tay khi ban giám đốc đi vận động hợp tác, giải quyết việc làm cho người sau cai.

Cái khó của Trung tâm là trong vòng hai năm, học viên vừa đào tạo vừa làm việc. Khi biết việc, trung tâm phải trả học viên về với cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp cũng ngần ngại nhận họ vì nhiều nhẽ.

Ông Nguyễn Đức Tuấn cho hay, phần lớn học viên không đảm bảo sức khỏe (hơn 30 phần trăm đối tượng có HIV), thời gian làm việc ít hơn người bình thường, hơn nữa họ có tâm lý lười lao động, hiệu quả công việc không như mong muốn…

Cũng có Cty sẵn sàng nhận lao động là người nghiện sau cai như Cty Dệt may Thanh niên Hà Nội nhưng bà Nguyễn Thị Phượng Giám đốc Cty chia sẻ: Nhiều học viên ra khỏi Trung tâm là đi thẳng chứ không muốn làm việc.

Đào tạo và giải quyết việc làm cho đối tượng này thế nào cho hiệu quả vẫn đang là bài toán khó.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, cả nước hiện có hơn 173.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, hơn 80 phần trăm số người nghiện không có nghề, gần 50 phần trăm số đó có tiền án, tiền sự.

Riêng Hà Nội hiện có bảy trung tâm giáo dục lao động xã hội đang cai nghiện cho hơn 8.000 người.

Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới chỉ có hai trung tâm đào tạo giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai (một trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội và một trực thuộc Thành Đoàn).

Riêng Trung tâm hướng nghiệp Lao động Xã hội Thanh niên Hà Nội, sau hai năm đào tạo, chỉ có 218 học viên được cấp chứng chỉ nghề.

Trung tâm đã liên kết với Trung tâm Giới thiệu Việc làm Thanh niên Hà Nội để giới thiệu với các doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm nhưng, đến nay, chưa thống kê được bao nhiêu người tìm được việc, ông Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm cho biết.

MỚI - NÓNG