Giở xem lại lá cờ Tổ quốc bạc màu bị gió dông Hoàng Sa xé rách tơi tả bấy lâu vẫn giữ, trên ấy có chữ ký của những người lính cảnh sát biển kiên gan. "Từng con tàu bị thương từng lá cờ bị thương/Mẹ đại dương băng vết thương bằng muối". Những vần thơ tôi viết và đọc trên boong tàu cảnh sát biển trước lá cờ ấy, giữa Hoàng Sa mùa hè nóng bỏng 7 năm về trước.
Những vị tướng trấn ải biển cả, mà sao những vi phạm theo kết luận của Trung ương nghe rất "quen". Vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống... Vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm; trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu,...
Một lực lượng có tính chất, môi trường hoạt động đặc thù như Cảnh sát biển cũng không có "vùng cấm" trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thông điệp trên là rất rõ ràng, quyết liệt. Nhưng sao vẫn cứ đau nhói.
Nhớ chàng lính trẻ trên tàu CSB 4033 cứ rụt rè đứng ngó tôi gọi điện thoại vệ tinh về tòa soạn. Đến khi đưa máy bảo tranh thủ gọi về cho vợ con đi, cậu lính mừng rỡ chảy nước mắt. Từ cuộc điện thoại hối hả, mới hay đứa con nhỏ của cậu ở nhà đang ốm phải nằm viện. "Vừa về từ Hoàng Sa/Ba gọi ngay cho Gấu/Giọng con nghe mếu máo/“Ba ơi, em nhớ ba!”.../Sao mắt ba cay cay/Khi nghĩ về con đó/Vững vàng trước sóng gió/Lòng se sắt nhớ con". Những câu thơ cũng của một người lính cảnh sát biển viết giữa những ngày sóng gió đối mặt giàn khoan Hải Dương 981 ấy.
Tôi nhớ cái đêm giữa Hoàng Sa một người lính sốt cao đã lả người được chuyển sang tàu khác cắt sóng chạy vào bờ cấp cứu. Hơi nóng co giật từ cơ thể anh trên tay tôi như còn đến bây giờ. Tôi nhớ những người lính xuồng im lặng như những cái bóng bơi suốt đại dương để thực hiện nhiệm vụ chủ quyền. Nhiều đêm lính xuồng bị lạc tàu mẹ, phải lắng nghe hơi ấm đồng đội để tìm về. Tôi nhớ giọt nước mắt giấu vội trên boong tàu khi những người lính cảnh sát biển được xem đoạn video mang ra từ đất liền ghi lại lời nhắn nhủ của bố mẹ, vợ con.
Nhớ những người lính trần thân đối mặt cảnh hung hãn đâm va hủy diệt, xối xả vòi rồng của đối phương, nhưng vẫn giữ chặt đội hình với mệnh lệnh "Không được lùi!". Nhớ người lính trên biển "3 ngày mới được tắm một lần". Nhớ hình ảnh một phóng viên nước ngoài bị sóng mạnh hất ngã văng chảy máu. Được y tế trên tàu băng bó cấp cứu, anh nén đau bập bẹ tiếng Việt "Cám ơn Việt Nam!"...
"Nhất tướng công thành vạn cốt khô". Nên đạo làm tướng xưa nay nghĩ đều phải "dĩ công vi thượng". Tháng 5/1948, tại lễ thụ phong tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã xúc động "Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí". Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn xưa cũng từng tâm niệm về đạo làm tướng "Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi".
Những vị tướng vừa không còn là tướng, có nhớ không? Nhớ lời thề giữa đại dương trước lá cờ Tổ quốc? Nhớ biết bao người lính đang đêm ngày hy sinh giữa bão tố, nguy nan? Nhớ trọng trách được giao trước an nguy biển đảo, đất nước, và lòng dân?