Dự án ấp ủ hơn thập kỷ
Chia sẻ về niềm khao khát, lý do thực hiện phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết ông luôn ấp ủ một dự án về Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên.
"Tôi sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội. Từ lâu tôi tự nhủ phải làm một cái gì cho thành phố thân yêu này. Đào, phở và piano được làm hoàn toàn vì tình yêu với Hà Nội, chứ không phải do yêu cầu, đặt hàng của bất kỳ ai", đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ trong buổi giao lưu Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano diễn ra cuối tuần qua.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn tại phim trường Đào, phở và piano. Ảnh: Nguyên Khánh. |
Mong muốn, khát khao là vậy nhưng phải sau nhiều năm, đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn chưa có ý tưởng cụ thể bộ phim bởi đã có nhiều người làm phim về Hà Nội, mọi khía cạnh đều được khai thác.
Đào, phở và piano được thai nghén những ý tưởng đầu tiên từ năm 2010 trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Suốt cả chục năm sau đó, đạo diễn Phi Tiến Sơn thu thập, tìm kiếm tư liệu để hoàn thiện kịch bản.
Cuối cùng kịch bản Đào, phở và piano ra đời theo hướng lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử nhằm tạo nên câu chuyện phim với những nhân vật hư cấu.
Kịch bản Đào, phở và piano lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử nhằm tạo nên câu chuyện phim với những nhân vật hư cấu. Ảnh: ĐLPCC. |
Thách thức bối cảnh chiến tranh
Cha đẻ Đào, phở và piano cho biết khó khăn không chỉ đến từ khâu kịch bản, bởi sau khi hoàn thành kịch bản ông phải tính tới việc tìm kiếm, xây dựng bối cảnh.
"Ở Việt Nam làm một bộ phim lấy bối cảnh lịch sử là việc vô cùng khó khăn. Tôi đã đi khắp các ngõ ngách ở Hà Nội nhưng chưa thấy nơi nào có 3 ngôi nhà cổ đặt liên tiếp sát cạnh nhau. Vì thế việc tìm bối cảnh cho Đào, phở và piano rất khó khăn", đạo diễn Phi Tiến Sơn tâm sự.
Bên cạnh đó, do bối cảnh lịch sử khá xa so với thời điểm hiện tại nên ông thừa nhận không tránh khỏi sai sót khi thể hiện một số chi tiết trong phim. Dù đạo diễn đã gặp và trò chuyện với một số cựu chiến binh về cách họ cố thủ trong chiến lũy năm đó.
Để có được khung cảnh đổ nát, hoang tàn thời chiến, đoàn làm phim phải xây nhà mới sau đó dùng xe cẩu đập vỡ, cuối cùng là sơn lại để tạo hiệu ứng. Ảnh: ĐLPCC. |
"Việc dựng hiện trường bao gồm 3 công đoạn. Đầu tiên là xây mới những căn nhà, con đường, sau đó là dùng xe cẩu đập vỡ chúng đi đến trơ cả gạch đỏ ra, cuối cùng là dùng thủ thuật phun khói, phun sơn sao cho trông nó cũ kỹ, hoang tàn đổ nát giống như thời chiến tranh", đạo diễn Phi Tiến Sơn tiết lộ.
Đoàn làm phim phục dựng khu phố cổ dài 120 m, đường và vỉa hè lên tới 15 m chiều rộng, hai dãy nhà san sát hai bên được hình thành từ phác thảo, dựng sa bàn cho tới dựng bối cảnh. Không gian này giúp cho đoàn làm phim có những cảnh toàn, cảnh quay từ trên cao không vướng các công trình hiện đại.
Phim được quay với bối cảnh thực kèm một vài hiệu ứng được xử lý trong mô hình khu phố cổ. Ảnh: ĐLPCC. |
Chia sẻ với Tiền Phong, họa sĩ Vũ Viết Hưng - phụ trách thiết kế mỹ thuật của phim Đào, phở và piano - khẳng định việc xây dựng cảnh cho phim là một thách thức rất lớn.
Để xây dựng được bối cảnh phố cổ Hà Nội năm 1946 với tỷ lệ 1:1 đáp ứng được nguyên mẫu lịch sử, họa sĩ và các đồng nghiệp đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, phác thảo vẽ tay và dựng thành bản 3D.
“Trong điện ảnh dựng bối cảnh là khâu quan trọng nhất tạo ra hiệu ứng, không gian. Xây dựng mới sau đó đập phá tạo hiệu quả cũ, rêu mốc, khói bụi, chúng tôi mất nhiều công sức và thời gian để dựng cảnh”, họa sĩ Vũ Viết Hưng chia sẻ.
Với kinh phí hạn hẹp, ê-kíp sáng tác phải bàn bạc thảo luận kỹ càng để tránh gây lãng phí. |
Với một bộ phim lịch sử và đề tài chiến tranh lại có kinh phí hạn hẹp, ê-kíp sáng tác phải bàn bạc thảo luận kỹ càng để xây dựng bối cảnh. Những ngôi nhà, những mảng tường, con ngõ... phải được tính toán kỹ lưỡng để không gây lãng phí.
“Chúng tôi phải làm mọi thứ trong giới hạn của nguồn vốn với chất lượng tốt nhất. Thiết kế bối cảnh trong phim lịch sử, nhất là đối với Đào, phở và piano là khâu phức tạp nhất. Chúng tôi phải làm từ con số không và phải làm sao thế nào để khán giả nhìn thấy đời sống của nhân vật một cách chân thật nhất. Thời gian có hạn buộc chúng tôi phải đẩy nhanh tốc độ để đáp ứng tiến độ đã đề ra”, anh Hưng nêu.
Tại buổi giao lưu Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano, đề tài về phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa, sự khó khăn khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của phim, xây dựng bối cảnh, phục trang trong phim... cũng được các diễn giả đề cập, phân tích.