Phim lịch sử sau cơn sốt Đào, phở và piano: Khán giả đòi hỏi, nhà làm phim kêu khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhìn nhận thị trường điện ảnh cởi mở hơn với dòng phim lịch sử, nhiều nhà làm phim mong muốn thử sức với mảng đề tài “khó nhằn” này. Tuy nhiên, các nhà làm phim cho rằng, để phim lịch sử ra rạp, cạnh tranh doanh thu còn đó nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Khó chồng khó

Dòng phim lịch sử không kén người xem như nhiều người từng nghĩ, bởi lẽ ai cũng có lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Điều này được chứng minh thông qua sự quan tâm, đón nhận phim Đào, phở và piano - phim lịch sử do nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, để dòng phim này xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, còn đó nhiều nút thắt.

Phim lịch sử sau cơn sốt Đào, phở và piano: Khán giả đòi hỏi, nhà làm phim kêu khó ảnh 1

Đào, phở và piano thành cơn sốt tạo cảm hứng cho nhiều nhà sản xuất muốn làm phim lịch sử

Không kể đến những cơ chế hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà làm phim lịch sử, dòng phim này cũng khiến các đạo diễn, ê-kíp sáng tạo đau đầu trong việc lựa chọn, dàn dựng bối cảnh, phục trang, đặc biệt là phân bổ kinh phí đầu từ sản xuất cho đến phát hành, quảng bá. Trong buổi gặp gỡ, giao lưu với đạo diễn Phi Tiến Sơn, đạo diễn Đặng Nhật Minh mang tên Từ Hà Nội mùa đông năm 46 đến Đào, phở và piano diễn ra ngày 3/3, hai đạo diễn đề cập nhiều khó khăn khi làm phim lịch sử, chính sử.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn - người đứng sau thành công của Đào, phở và piano - thừa nhận “run rẩy” khi nghĩ đến việc làm phim chính sử, bởi đề tài này dễ gây tranh cãi. Vì vậy, kịch bản Đào, phở và piano được xây dựng theo hướng lấy bối cảnh lịch sử, không khí của một giai đoạn lịch sử để tạo nên câu chuyện phim với những nhân vật hư cấu.

“Tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mọi người trong ê-kíp đều cố gắng vượt qua. Tôi cũng bị cuốn vào không khí do mọi người đem lại, có những cảnh khi quay xong cả đoàn lặng người đi. Đó chính là những thuận lợi trong quá trình làm phim”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nêu.

Cùng bàn về khó khăn khi xây dựng kịch bản phim lịch sử, đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ, sợ nhất khi làm phim lịch sử mà không đúng lịch sử. Để cho ra đời được kịch bản Hà Nội mùa đông năm 46 nhận được nhiều lời khen, sự đánh giá cao của quốc tế, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồi ký, tư liệu lịch sử Việt Nam và Pháp. “Thời điểm lịch sử đó buộc tôi phải nghiên cứu kỹ càng. Rất may khi chiếu ở nước ngoài không ai có phản hồi xấu”, đạo diễn chia sẻ.

Cha đẻ Đào, phở và piano cho biết, khó khăn không chỉ đến từ khâu kịch bản, bởi sau khi hoàn thành kịch bản ông phải tính tới việc tìm kiếm, xây dựng bối cảnh. Đây cũng là một trong những khó khăn lớn của đoàn làm phim. Do bối cảnh lịch sử khá xa so với thời điểm hiện tại nên ông không tránh khỏi sai sót khi thể hiện một số chi tiết trong phim, dù đạo diễn đã gặp và trò chuyện với một số cựu chiến binh về cách họ cố thủ trong chiến lũy năm đó.

Tạo cơ chế mở

Họa sĩ thiết kế mỹ thuật phim Phạm Quốc Trung từng tham gia thiết kế bối cảnh phim Hà Nội mùa đông năm 46 khẳng định, thiếu bối cảnh, phim trường là thiếu sót lớn ở Việt Nam, đặc biệt trong việc sản xuất phim lịch sử. Ông nêu ví dụ về những đất nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đầu tư lớn cho phim trường.

Phim lịch sử sau cơn sốt Đào, phở và piano: Khán giả đòi hỏi, nhà làm phim kêu khó ảnh 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ sợ nhất làm phim lịch sử mà không đúng lịch sử. Ảnh: Minh Anh

“Ở Trung Quốc làm phim cổ trang rất dễ vì họ có sẵn phim trường, phục trang theo từng thời đại. Phim trường không chỉ được đầu tư một lần và chỉ dùng những lúc quay phim, sau khi phát hành, phim trường trở thành địa điểm du lịch hút khách. Đây cũng là một cách nhà đầu tư xoay vòng vốn đầu tư cho phim trường”, hoạ sĩ Phạm Quốc Trung nêu.

Đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng, kinh phí để sản xuất phim lịch sử thường cao hơn nhiều so với phim đề tài hiện đại, vì nhà sản xuất phải tái hiện toàn bộ bối cảnh của một thời kỳ trong quá khứ từ bối cảnh, phục trang, đạo cụ, cho đến tác phong của từng nhân vật.

“Khác với phim làm về đề tài hiện đại, hầu hết những gì xuất hiện trong phim lịch sử đều phải được tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm. Từ bối cảnh, đạo cụ, phục trang… nhiều thứ không thể tìm được phải tự chế tạo, sản xuất ra bản sao tương thích để có thể sử dụng trong các cảnh quay, thậm chí cả ngôn ngữ, tác phong của nhân vật, cả diễn viên chính, phụ, cả diễn viên quần chúng”, đạo diễn Bùi Trung Hải chia sẻ với Tiền Phong.

Trong bối cảnh điện ảnh phát triển mạnh, đạo diễn Bùi Trung Hải đề xuất, ngoài việc tăng kinh phí để cho đoàn làm phim, việc tạo ra những cơ sở hạ tầng như phim trường, đạo cụ... phục vụ cho các phim lịch sử cần được chú trọng. “Cần tạo lập hệ thống trường quay có quy mô lớn, hiện đại. Việc này tiết kiệm rất nhiều chi phí khi các đoàn phim có thể thuê trường quay, tận dụng bối cảnh, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng nơi đây, đầu tư có hệ thống cho các kho đạo cụ, kho phục trang”, đạo diễn Bùi Trung Hải chia sẻ.

Thay đổi để có nền công nghiệp điện ảnh

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, khái niệm công nghiệp điện ảnh liên quan đến khía cạnh kinh tế của điện ảnh. Trong nền công nghiệp này các sản phẩm được sản xuất ra cần phải bán được. Với thực trạng sản xuất phim nhà nước đặt hàng lâu nay, ngành điện ảnh chỉ nghĩ đến sản xuất mà chưa nghĩ đến việc bán sản phẩm.

“Chúng ta chỉ có một cửa hàng rất nhỏ là Trung tâm chiếu phim quốc gia, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cửa hàng này cũng chưa hẳn là nơi bày bán, bởi nó giống như một phòng triển lãm thì đúng hơn. Chiếu một thời gian nào đó, ai đến xem thì xem, nếu cứ vận hành theo cách này, vừa tốn công, tốn sức của đoàn làm phim. Đó cũng là một ứng xử chưa tốt, phần nào đó coi thường khán giả và lãng phí tiền của nhà nước”, đạo diễn nêu.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định, khán giả là khách hàng, vì vậy nhà nước cần để ý khâu phát hành hơn. “Việc các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân tâm huyết với điện ảnh dân tộc, chiếu và hoàn 100% doanh thu về nhà nước không nên là việc lâu dài. Xét ở khía cạnh nào đó, điều này cũng là không sòng phẳng với họ”, đạo diễn Phi Tiến Sơn giải thích. Ông mong các cơ quan quản lý nhà nước tìm hướng ra cho dòng phim nhà nước đặt hàng.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.