Đạo diễn Long Vân: Chỉ “nghiện” làm phim

Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng.
TP - Đạo diễn Long Vân bảo cuộc đời mình được làm phim là mãn nguyện rồi, nên dù cuối đời chẳng có được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay Nghệ sĩ ưu tú thì ông cũng chẳng lấy đó làm buồn. Tới nay, tuổi đã gần bát thập nhưng ông vẫn tham gia làm phim để thỏa cơn nghiện của mình. Cách đây chưa lâu, cũng từ đam mê chuyện làm phim mà ông bị tai nạn gãy chân, đến nay vẫn chưa phục hồi.

Ăn cơm vợ để đi làm phim

Nhắc đến đạo diễn (ĐD) Long Vân, tôi cứ ngỡ ông là một anh Hai Nam Bộ thứ thiệt khi phần lớn những bộ phim đình đám mà ông từng làm đều liên quan đến Sài Gòn: Biệt động Sài Gòn, Giải phóng Sài Gòn, Hẹn gặp lại Sài Gòn, và mới đây là Những đứa con biệt động Sài Gòn. Gần đây, tôi mới hay ông là người Hà Nội gốc và hiện sống tại Hà Nội. Gọi điện hẹn gặp, ông bảo cứ ra vườn hoa Lê Nin nói chuyện cho thoáng. Gặp tôi, ông tếu táo: “Có người hỏi tôi nhà ở đâu, tôi nói ở trung tâm Thủ đô, nhà rất rộng và có nhiều cây cổ thụ”. Nói rồi ông khoát tay mô tả cảnh quan công viên Lê Nin. “Hầu như ngày nào tôi cũng ra đây, ít nhất là buổi sáng. Nhà cũng không đến nỗi chật chội, nhưng vẫn thấy bức bí. Ra đây phóng tầm mắt vào nơi rộng thoáng, có lúc nảy ra những ý tưởng hay”-  ĐD Long Vân nói.

Khác với phần lớn người lớn tuổi hay nói về quá khứ, ĐD Long Vân mở đầu bằng chuyện tương lai. Ông bảo mình đang cộng tác để tiếp tục làm nốt phần 3 của Những đứa con biệt động Sài Gòn. Nói về ngọn nguồn bộ phim này, ĐD Long Vân kể cách đây dăm năm, một lãnh đạo cao cấp của ngành Công an mời ông đến trò chuyện: “Thời gian qua chưa có nhiều bộ phim hay về ngành. Trước kia anh từng làm phim Biệt động Sài Gòn gây tiếng vang, nên giờ có thể làm phim về ngành được không?”. Nghe vậy, ĐD Long Vân trả lời: “Tôi không còn thời gian nữa (ý nói mình đã lớn tuổi)”. Vị lãnh đạo ngành công an hiểu ý, nói: “Nếu vậy anh cứ xây dựng ý tưởng, rồi làm cố vấn cho phim”. Gợi ý đó khiến ĐD Long Vân suy nghĩ, một thời gian sau nảy ra ý tưởng: Trước đây những biệt động Sài Gòn từng đánh Mỹ thì nay con cháu của họ sẽ tiếp bước đánh những tệ nạn có trong thời bình như chuyện xã hội đen, buôn bán ma túy và tham nhũng. Ông xây dựng kịch bản Những đứa con biệt động Sài Gòn làm ba phần, tổng cộng khoảng 120 tập. Sau đó, phần 1 Những đứa con biệt động Sài Gòn khai thác thành công vụ án Năm Cam, Dung Hà được chiếu cách đây 3 năm đã tạo nên cơn sốt trong dư luận khán giả. Phần 2 tập trung vào chuyện triệt phá các đường dây ma túy lớn, được kênh HTV7 của TP Hồ Chí Minh chiếu năm ngoái cũng thu được thành công. Còn phần 3 làm về chống tham nhũng, khi một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây sẽ được đưa vào phim. Cuối năm nay kịch bản phần 3 sẽ hoàn thành, đầu năm tới sẽ bấm máy. “Nay sức khỏe tôi không được tốt. Nhưng phần 3 sẽ quay chủ yếu tại Hà Nội, nên hy vọng vẫn có thể đến được trường quay”. ĐD Long Vân nói.

ĐD Long Vân chia sẻ: “Để làm Những đứa con biệt động Sài Gòn có công của cả đoàn làm phim, từ đạo diễn, biên kịch, quay phim đến người phụ trách đạo cụ, phục trang..., tôi chỉ đóng góp phần cố vấn nghệ thuật cho phim như là sự cơ duyên”. Nói về cơ duyên, cách đây 30 năm, trong một chuyến bay ĐD Long Vân tình cờ gặp Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn. Thiếu tướng Trần Hải Phụng cho biết rất thích một số phim ĐD Long Vân làm, đồng thời gợi ý ông nên làm một bộ phim về biệt động Sài Gòn. ĐD Long Vân nhận lời và đề nghị cho mình và những cộng sự được gặp một số nguyên mẫu. Đó là những chiến sĩ biệt động khét tiếng một thời với những chiến công oanh liệt như Tư Chu, Bảy Bê, Năm Nè... mà sau này là những Tư Chung, Sáu Tâm, K9 trong phim Biệt động Sài Gòn. Khi trình chiếu, Biệt động Sài Gòn nằm trong số những bộ phim ăn khách nhất của điện ảnh Việt Nam, tính đến tận bây giờ. Người dân chen đổ tường để mua vé, đâu đâu cũng bàn luận về bộ phim. Cha của Long Vân khi đó nghe chuyện, đã nói với vợ ông: “Phim ăn khách thế, chắc Long Vân cũng khá nhỉ?”. Vợ ông nghe vậy cười: “Đó là hai chuyện khác nhau cha ạ. Nhà con làm xong phim còn âm vì trước đó đã tạm ứng và tiêu hết rồi”.

Trong quá trình làm nghề của mình, không ít lần ĐD Long Vân được làm những bộ phim có kinh phí lớn, nhưng lại chẳng bận tâm đến chuyện thù lao cho mình. Vì vậy, phim của ông làm ra dù hoành tráng, dù ăn khách là thế, nhưng đạo diễn vẫn...rỗng túi. Thế nên ông thường nói mình “ăn cơm vợ để đi làm phim”.

Đạo diễn Long Vân: Chỉ “nghiện” làm phim ảnh 1

ĐD Long Vân tại trường quay phim Những đứa con biệt động Sài Gòn.

Làm đạo diễn giỏi, diễn viên… xoàng

Nếu như chuyện làm phim của ĐD Long Vân là do cơ duyên thì việc ông vào ngành điện ảnh là có chủ đích. Ông kể, nếu không yêu điện ảnh chắc hẳn ông sẽ đi theo nghiệp giáo dục. Năm 1951, ông từng học tại Khu học xá Trung ương, cùng lớp với những người bạn mà sau này rất nổi tiếng như GS.TS Nguyễn Lân Dũng, GS. Hồ Ngọc Đại... Trong thời gian Khu học xá Trung ương được chuyển sang Nam Ninh (Trung Quốc), Long Vân từng được xem một số bộ phim như Bạch Mao nữ của Trung Quốc hay Những người dũng cảm của Liên Xô. Lúc đó ông nghĩ “sao phim làm hay thế” và nhen nhóm ý định sau này sẽ theo nghiệp làm phim. Sau giải phóng Điện Biên phủ 1954, ông tốt nghiệp trường Sư phạm và về làm việc tại Bộ Giáo dục, sau đó chuyển sang dạy học. Do vẫn để tâm đến ngành điện ảnh, nên khi biết Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển lớp đạo diễn và diễn viên khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi. Ông trúng tuyển vào lớp đạo diễn, cùng khóa với những đạo diễn tên tuổi sau này như cố NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành... Tuy nhiên năm đó số lượng trúng tuyển đạo diễn hơi nhiều, trong khi lớp diễn viên lại ít, đặc biệt là thiếu diễn viên nam. Thấy Long Vân nhỏ tuổi hơn phần lớn học viên lớp đạo diễn cùng khóa, gương mặt lại ưa nhìn, nên lãnh đạo nhà trường gợi ý ông nên chuyển sang lớp diễn viên. Lúc đầu Long Vân không muốn, nhưng khi biết hai lớp có rất nhiều môn học chung nên ông đồng ý. Trong quá trình học, Long Vân học thêm đạo diễn nên sau này ông có hai bằng đạo diễn và diễn viên. Tuy nhiên, khi về Xưởng phim Việt Nam (nay là Hãng phim Truyện Việt Nam), Long Vân chỉ làm nghề diễn viên. “Tôi cũng đóng được một số vai, nhưng tựu chung chẳng để lại dấu ấn gì”- Ông tự nhận.

Cô con gái duy nhất Vân Dung (từng đóng phim lúc 18 tháng tuổi, sau đó tham gia các phim Mẹ vắng nhà, Vào đời, Cho cả ngày mai...), nay trở thành một doanh nhân thành đạt, từng khuyên ông không nên đi làm phim nữa nhưng ĐD Long Vân chẳng nghe.

Sau nghề diễn, Long Vân mất gần hai chục năm là trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn. Một lần, Long Vân đọc một kịch bản không được duyệt, nhưng ông lại thấy ẩn chứa trong đó ý tưởng có thể phát triển được thành phim nên bàn với tác giả sửa lại kịch bản. Bộ phim sau đó được làm với tên Tiếng gọi phía trước, năm 1979 đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim quốc tế tại Maxcơva. Năm 1980, ĐD Long Vân làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, rồi 1981 làm Cho cả ngày mai. Với ba bộ phim làm liên tiếp, nhiều người nghĩ ông hợp với thể loại phim tâm lý, tình cảm. Nào ngờ sau đó ông làm liền 4 tập Biệt động Sài Gòn, bộ phim hành động hấp hẫn đã lập kỷ lục về lượng khán giả khi có tới chục triệu lượt người xem vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Tiếp đó, với Hẹn gặp lại Sài Gòn, ĐD Long Vân xác lập một dấu ấn khác khi lần đầu tiên hình tượng về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được thể hiện trên màn ảnh phim truyện. Giải phóng Sài Gòn, một bộ phim truyện lịch sử do ông làm đạo diễn lại xác lập dấu ấn riêng khi từ lúc duyệt kịch bản đến khi bộ phim ra mắt (năm 2005) là 13 năm (qua 3 đời Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam), đồng thời kinh phí cũng vào hàng lớn nhất (12,5 tỷ đồng). Và gần đây tại Liên hoan phim Truyền hình lần thứ 31, phần 1 Những đứa con biệt động Sài Gòn được khán giả bình chọn là bộ phim xuất sắc nhất  năm 2011-2012; phim cũng được phát trên 11 đài truyền hình trong cả nước.

Đạo diễn Long Vân: Chỉ “nghiện” làm phim ảnh 2

Khi được hỏi: “Nguyên nhân nào giúp ông làm phim ở những thể loại khác nhau nhưng vẫn tạo được dấu ấn?”- ĐD Long Vân trả lời: Có chăng là khi làm phim tôi luôn cố gắng hết sức, không nghĩ đến yếu tố nào khác ngoài việc làm ra phim hay. Để thực hiện ý đồ làm phim, nhiều khi không được tiếc tiền. Đơn cử trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, ĐD Long Vân đã thuê người làm đôi hia trị giá vài cây vàng để thực hiện cảnh quay then chốt khi vua Thành Thái xé toạc tối hậu thư trước mặt viên toàn quyền người Pháp rồi tháo, vứt bỏ đôi hia. Hay trong Giải phóng Sài Gòn, riêng việc sử dụng 36 quả đạn cachiusa đã tiêu tốn hàng tỷ đồng... “Làm ra những bộ phim nổi tiếng, nhưng sao ông vẫn chưa được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú?”- tôi hỏi tiếp. ĐD Long Vân đáp: “Tôi không để ý nhiều đến chuyện này. Gần đây, có người còn nhận làm giúp, nhưng tôi đã từ chối”.

Không biết việc được làm phim là thỏa cơn nghiện rồi chăng, mà có thời lãnh đạo hứa cấp nhà, phong chức mà Long Vân cũng chẳng để tâm. Nhiều năm gia đình ông sống khó khăn trong căn nhà rộng chưa đầy 10 thước vuông ở khu tập thể của ngành. Cũng may nhờ vợ đảm con giỏi, nên nay ông có hẳn nhà mặt phố để ở, kinh tế cũng chẳng phải lo. Cô con gái duy nhất Vân Dung (từng đóng phim lúc 18 tháng tuổi, sau đó tham gia các phim Mẹ vắng nhà, Vào đời, Cho cả ngày mai...), nay trở thành một doanh nhân thành đạt, từng khuyên ông không nên đi làm phim nữa nhưng ĐD Long Vân chẳng nghe. Rồi trong một lần mải trao đổi về phim cách đây chưa lâu, dù đã đứng trên vỉa hè nhưng ĐD Long Vân vẫn bị một chiếc taxi lùi ẩu va vào khiến ông bị gãy chân, giờ vẫn chưa hồi phục. Nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn được khát vọng làm phim trong ông. “Sau Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 3, tôi đã có đề tài làm phim mới”- ĐD Long Vân cho biết.

Bài hát cho phim trở thành ca khúc nổi tiếng

Trong quá trình làm phim, ĐD Long Vân từng cộng tác với hai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Trịnh Công Sơn. Năm 1980, khi làm phim Nơi gặp gỡ của tình yêu, ĐD Long Vân gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp đặt vấn đề sáng tác bài hát cho phim. Khi đó, tại vùng đất Đà Lạt nơi diễn ra cảnh quay bộ phim, Long Vân rất ấn tượng với sắc vàng rực rỡ của hoa quỳ nên đã kể cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp cốt truyện bộ phim kèm theo cảm xúc đối với loài hoa mà lần đầu ông được thấy. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã cảm hứng viết nên một giai điệu đẹp, với mở đầu là câu hát: “Nơi anh gặp em/ Có hoa vàng rực rỡ/Có khung trời mộng mơ/Biển xanh bao la/Triền miên sóng vỗ...”.

Một năm sau, khi làm phim Cho cả ngày mai, ĐD Long Vân lại tìm đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bài hát Em là bông hồng nhỏ đã ra đời. Mặc dù Trịnh Công Sơn không phải là người chuyên viết nhạc thiếu nhi, nhưng Em là bông hồng nhỏ đã cho thấy sự đa tài trong bút pháp, tâm hồn trẻ trung của nhạc sĩ: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/Em sẽ là màu nắng của cha/Em đến trường học bao điều lạ/Môi hé cười là những nụ hoa...”. Đến nay, sau hơn 30 năm, Em là bông hồng nhỏ vẫn là một trong những bài hát hay nhất viết cho thiếu nhi.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.