Phong cách Đức
Tối 17/9, lẻ tẻ mới thấy một ghế trống tại khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ. Đây là đêm công diễn đầu tiên của vở Vòng phấn kavkaz - hợp tác giữa nhà hát với Viện Goethe, đêm cuối cùng 19/9. Nhiều khách mời, báo chí xem tổng duyệt 16/9, kịp có những phản hồi tích cực.
Nhiều người từng xem một đạo diễn Đức dựng vở này cho Nhà hát chèo VN mấy chục năm trước, có ý đón xem phiên bản này để so sánh. Đạo diễn Dominik từ tốn: “Đạo diễn sống được nhờ các nhà phê bình, tất cả ý kiến giúp chúng tôi tốt hơn lên”.
Có dịp theo dõi Dominik Gunther làm việc suốt bốn tuần với diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, mới thấy hết sự thú vị. Hóa ra người Đức không quá “gỗ”, anh lắng nghe, chấp nhận một số sáng kiến. Họp báo giới thiệu vở ngày 16/9, giám đốc Trương Nhuận phi lộ, sau Tất cả đều là con tôi mang phong cách Mỹ, Vòng phấn Kavkaz đưa khán giả Việt Nam làm quen với sân khấu tự sự biện chứng, mang dấu ấn Đức.
Đạo diễn giải thích, trong vở kịch này có nhân vật không hóa trang, diện quần ngố, áo phông - chính là người dẫn chuyện - đóng vai trò liên kết khán giả với vở diễn. Nhân vật này thật năng động, khi cho khán giả biết chuyện gì xảy ra, lúc khác đóng vai đứa bé, kiêm luôn người thay đổi đạo cụ.
Cùng tấm gỗ, khi là cánh cửa, khi là chiếc giường, nhịp cầu bên bờ sông. Không có các màn tắt đèn thay cảnh, vở kéo dài chừng hai tiếng, có nghỉ giải lao dăm phút để thay đổi một số chi tiết trên sân khấu. Cách diễn viên đi từ sân khấu lên, hay bất thình lình thoại từ dưới - không quá lạ lẫm, nhưng cũng làm khán giả thấy thú vị. Một số người hùa theo, phụ họa lời diễn viên nói vọng lên sân khấu.
Vở diễn nhiều nhân vật, nhưng không “ngốn” diễn viên, bởi mỗi người đảm vài vai: Bá Anh mở đầu vào vai Tổng trấn, lúc sau lại là một lão già, rồi Lavrenti, anh trai của cô hầu gái Grusche. Lê Khanh cũng một mình ba vai, diễn viên trẻ Phương Thanh thậm chí còn vào năm vai phụ. Chỉ vài diễn viên từ đầu đến cuối một vai: Thu Quỳnh (Grusche), Chí Huy (Simon), Nguyệt Hằng (vợ Tổng trấn), Quỳnh Dương (Azdak).
Cổ điển một cách hiện đại
Vong phấn Kavkaz chia hai phần rõ rệt, phần đầu là câu chuyện cô hầu gái Grusche chạy loạn, tình cờ cứu đứa bé trai, con Tổng trấn đang bị truy lùng. Nàng chấp nhận hy sinh tình yêu với chàng lính Simon để lấy anh nông dân. Phần sau nói về tay bợm Azdak, do chiến tranh hỗn loạn được đôn lên làm quan tòa, sự nghiệp xét xử đạt đến đỉnh cao với vụ án phu nhân Tổng trấn kiện Grusche đòi con. Kết quả có được nhờ phép thử bằng vòng phấn.
Nhiều vở diễn kinh điển, nay xem lại chưa chắc đã vào lắm. Với vở này, Dominik Gunther có lối dàn dựng hiện đại. Nhạc pop, rock, thậm chí âm thanh điện tử trong này là chủ trương của Dominik.
Anh và họa sĩ Doãn Bằng thống nhất xóa nhòa không gian, thời gian bằng trang phục, cảnh trí không biên giới, thời đại. Diễn viên hút sữa hộp chùn chụt, nói tiền trăm nghìn, cái áo giá chục triệu cứ như bối cảnh ở Việt Nam. “Mọi thứ đứng ở chỗ của nó, đúng như những gì tôi muốn”, anh nói.
Tại cuộc phỏng vấn hồi tháng tám, khi vừa sang Việt Nam, Dominik trả lời Tiền Phong, cắt bỏ đoạn đầu về thế chiến thứ nhất. Anh cũng mạnh dạn lược bỏ nhiều chi tiết trong kịch bản của Bertolt Brecht, mà không ảnh hưởng đến mạch kịch. Chẳng hạn, không cần chi tiết Azdak xử ly hôn Grusche với anh nông dân, khán giả cũng biết cô nàng và Simon thuộc về nhau.
“Sự ích kỷ vẫn là vấn đề thời đại”, câu trả lời của đạo diễn sinh năm 1973 có dịp kiểm chứng. Với nỗ lực xóa nhòa thời gian, không gian trong vở kịch, đạo diễn nhắc cho khán giả thấy, sự ích kỷ của đa số nhân vật trên sân khấu kia chẳng lạ trong đời sống. Ở Đức hay Việt Nam cũng thế thôi - anh chia sẻ.
Không ít khán giả xem kịch Việt Nam thấy mệt, vì lối diễn xa rời đời sống, nhưng cố tạo ra như đấy là đời. Còn đạo diễn Đức này làm nổi bật phong cách Bertolt - luôn nhắc khán giả ý thức những gì họ xem là vở kịch đấy: Còn quý vị, khán giả của vở kịch dài Vòng phấn Kavkaz/ Xin hãy biết tới điều cùng nhau tin tưởng/Mỗi vật phải thuộc về người nào làm nó tốt hơn lên”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói điều ông thích nhất, là cách đạo diễn xử lý một vở diễn nổi tiếng rất hiện đại.
“Thủ pháp hiện đại phù hợp với người xem hôm nay, đưa hơi thở cuộc sống vào vở kịch, vừa tôn lên giá trị cốt yếu của vở kịch: Vòng phấn đó, là thông điệp về sự nhân ái, nhân văn của Bertolt, lại đúng nghệ thuật gián cách mà ông chủ trương”, ông nói.
NSND Phạm Thị Thành đồng quan điểm, cho rằng cách xử lý ấy mang lại sự chân thực, xúc động vừa mang đến hiệu quả gián cách - bắt người xem phải suy nghĩ