Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 1 vừa qua, đạo diễn người Anh David Puttnam đã có cuộc trao đổi hết sức thú vị về chuyện làm phim của ông cũng như xu hướng làm phim hiện nay trên thế giới. Theo ông, xu hướng làm phim kiểu Hollywood đang bão hòa và giờ là thời của phim độc lập, của phim công nghệ số và khán giả trẻ.
Oscar không chỉ là phim “bom tấn”
Nói đến các bộ phim được đề cử hoặc đoạt giải thưởng của Hiệp hội Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ ( thường gọi là giải Oscar), người ta dễ mặc định đó là những bộ phim có đầu tư lớn và doanh thu cao, thường gọi là phim bom tấn.
Thế nhưng, đạo diễn Puttnam nhận định: “Nếu bạn đã từng xem các bộ phim được đề cử giải Oscar, sẽ thấy không phải tất cả là các phim bom tấn, mà có cả các phim nghệ thuật đấy chứ” .
Ông lấy ví dụ về bộ phim “Boyhood”, ứng cử viên sáng giá của Oscar năm nay với 6 đề cử là một bộ phim nghệ thuật. Đạo diễn đã quay bộ phim này trong 12 năm liền, từ 2002 đến 2013, chỉ để mô tả sự trưởng thành của một cậu bé Texas sinh ra trong gia đình có bố mẹ ly dị.
Hay như bộ phim “Metro Manila” của Anh, làm về nạn tham nhũng ở Manila, Philippines với kinh phí cực thấp và chỉ với một chiếc máy quay rất cũ, nhưng đã rất thành công. Bộ phim này được đề cử giải Oscar năm ngoái cho phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Với đạo diễn Puttnam, sản xuất một bộ phim có giá trị nghệ thuật để được Oscar cũng quan trọng như một tác phẩm nổ tung phòng vé. Thế nhưng, ông thú nhận: “Tôi chưa bao giờ muốn làm phim chỉ để dự Oscar hoặc chỉ để bán vé cả. Điều quan trọng nhất đối với tôi là nội dung phim phải chạm vào cảm xúc của khán giả”.
Cũng như những ngày đầu mới bước vào làm phim, ông cũng tham vọng đem tất cả hỉ, nộ, ái, ố vào trong một bộ phim. Bộ phim đầu tay của ông được chiếu ở Anh không đạt được hiệu ứng đặc biệt. Nhưng thật ngạc nhiên, khi ông đem chiếu ở Nhật Bản, hàng dài người xếp hàng vào xem.
Hay như bộ phim thứ 3 của ông khi được ra mắt trong một ngày thời tiết xấu, nhưng cũng có hàng dài người xếp hàng dưới mưa để vào xem phim. Lúc đó, ông mới nhận ra được rằng, bộ phim của mình đã chạm được vào cảm xúc của khán giả, chứ không phải cái gì thật cao siêu.
Ông cũng lấy làm tiếc cho một sai lầm của mình khi cắt bớt cảnh bộ đội Việt Nam đem lương thực cho người dân Campuchia khi tiến vào giải phóng khỏi nạn diệt chủng trong phim “The killing fields” (Cánh đồng chết).
Khán giả luôn thông minh
Câu chuyện về thu hút khán giả cũng gây nhiều tranh luận giữa David Puttnam và các nhà làm phim Việt. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chất vấn: “ Tôi chỉ quan niệm phim hay hay dở, chứ không phải là phim nghệ thuật hay phim thị trường. Tôi thấy các bộ phim ông đưa ra thường là nơi có khán giả thông minh, còn ở những nơi khán giả không thông minh thì sao?”
Đạo diễn Puttnam cho rằng: “Khán giả luôn thông minh. Cái khó của người làm phim là làm sao hiểu được cảm xúc của khán giả. Công việc của chúng ta là phải nỗ lực dẫn dắt khán giả vào bộ phim. Trong bản thân mỗi đạo diễn đều có sức mạnh diễn đạt, khán giả cảm nhận được sức mạnh đó. Đừng ẩn giấu dưới vỏ bọc thẩm mỹ, giáo dục để làm những bộ phim khiến khán giả không hiểu”.
Nhận xét về phim Việt Nam, đạo diễn Puttnam cho rằng, phim Việt kỹ thuật khá tốt, cảnh quay đẹp, nhưng thường mở đầu dài dòng, nội dung phim chưa thực sự hướng về khán giả nhiều lắm và thiếu kịch tính. Tuy nhiên, ông khá ấn tượng với phim “Để mai tính 2”, trong đó diễn viên Dustin Nguyễn thể hiện cá tính nhân vật rất tốt.