Sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch thanh trừng quy mô lớn trong quân đội, bắt giữ hơn 100 tướng lĩnh, những người bị tố cáo đã lên kế hoạch và chỉ huy cuộc binh biến. Theo giới quan sát, cuộc đảo chính này gần như đã thành công nhờ được dự trù và tổ chức khá chặt chẽ bởi các chỉ huy cấp cao trong quân đội, nhưng trận chiến đó nhanh chóng đảo chiều cũng bởi sự tham gia của các tướng lĩnh.
Bình luận viên Jamie Dettmer của VOA News cho rằng khoảnh khắc quyết định thành bại của cuộc binh biến chính là cuộc điện thoại của tướng Umit Dundar, tư lệnh Quân đoàn 1 đóng quân ở Istanbul, một trong những người trung thành với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong quân đội.
Rạng sáng ngày 16/7, khi xe tăng và các binh sĩ đảo chính ào ạt tiến tới chiếm giữ những cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus gần Istanbul, các tướng lĩnh đảo chính đã liên lạc với Dundar, hối thúc ông gia nhập cùng họ và đe dọa sẽ bắt giữ viên tướng này nếu ông không chấp thuận. Tướng Dundar gác máy, liên lạc với các cảnh sát trưởng ở Istanbul để thông báo âm mưu đảo chính, sau đó gọi ngay cho ông Erdogan, theo các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan lúc đó đang đi nghỉ mát cùng gia đình tại khu nghỉ dưỡng Marmaris bên bờ biển Địa Trung Hải. Trong cuộc gọi khẩn cấp này, tướng Dundar thông báo với ông Erdogan rằng đang có những "di biến động" đầy lo ngại ở thủ đô Ankara và nhiều nơi khác, đồng thời hối thúc Tổng thống lên máy bay di tản khẩn cấp để đề phòng bị bắt giữ hoặc thủ tiêu.
Tướng Dundar cũng thuyết phục ông Erdogan không trở về thủ đô Ankara, mà nên hướng máy bay tới Istanbul, nơi các binh sĩ thuộc quyền của ông có thể đảm bảo an ninh cho máy bay của Tổng thống hạ cánh. Khi trực thăng của phe đảo chính đột kích khách sạn ở Marmaris, ông Erdogan đã lên máy bay được khoảng 20 phút.
Các binh sĩ trung thành với tướng Dundar nhanh chóng chiếm lại sân bay Ataturk ở Istanbul, dọn đường cho chuyên cơ của Tổng thống Erdogan hạ cánh. Với việc ông Erdogan có thể hạ cánh được ở Istanbul, âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh coi như đã bị phá sản.
Chính ông Erdogan cũng thừa nhận rằng nếu không có cuộc điện thoại của tướng Dundar, và nếu ông nán lại khách sạn khoảng 15 phút nữa thôi, ông có thể đã bị các binh sĩ đảo chính bắt cóc hoặc sát hại.
"Số phận cuộc đảo chính được định đoạt bởi tướng Umit Dundar", Metin Gurcan, nhà phân tích an ninh độc lập và từng là cố vấn trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định. "Hành trình nhanh chóng tới Istanbul của ông Erdogan là một trong những mấu chốt phá vỡ kế hoạch đảo chính".
Dundar không phải là viên tướng cấp cao duy nhất chống lại âm mưu đảo chính, trì hoãn khoảng thời gian vô giá mà các lãnh đạo đảo chính cần để đạt được mục tiêu của mình.
Khi cuộc đảo chính vấp phải những trở ngại nghiêm trọng từ phía những dân thường đổ xuống đường ủng hộ Tổng thống Erdogan, những diễn biến nghẹt thở cũng diễn ra tại sở chỉ huy quân đội ở thủ đô Ankara, nơi Tổng tham mưu trưởng, tướng Hulusi Akar, bị trợ lý riêng dí súng vào đầu, yêu cầu ông ký vào bản tuyên bố đảo chính, và thuyết phục ông rằng cuộc đảo chính là để duy trì nền dân chủ chứ không phải phá hoại nó.
Tướng Umit Dundar, tư lệnh Quân đoàn 1, người gọi điện báo trước cho ông Erdogan về cuộc đảo chính. Ảnh: Anadolu
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu tướng Mehmet Disli, trợ lý của Tổng tham mưu trưởng Akar, đã sử dụng vũ lực để đe dọa sếp của mình sau khi dùng thủ đoạn thuyết phục không thành. Ông ta được cho là đã dùng thắt lưng siết chặt vào cổ tướng Akar để buộc ông ký vào tuyên bố đảo chính.
Nhiều tướng lĩnh ở Ankara cũng bị phe đảo chính bắt làm con tin, trong đó có những người bị chính các trợ lý thân cận của mình bắt giữ. Tư lệnh không quân Abidin Unal bị các vệ sĩ khống chế. Tuy nhiên, họ đều kiên quyết phản đối, không chịu nghe theo mệnh lệnh của những kẻ đảo chính và từ chối ra lệnh cho các đơn vị vũ trang thuộc quyền tham gia tạo phản.
Khi Tổng tham mưu trưởng Akar bị phe đảo chính bắt làm con tin, tướng Dundar đã được ông Erdogan tin tưởng và bổ nhiệm làm quyền tổng tham mưu trưởng, chỉ huy quân đội đánh bại cuộc đảo chính.
Viên tướng bị cáo buộc cầm đầu đảo chính
Bên kia chiến tuyến, đại tướng Akin Ozturk, cựu tư lệnh không quân, là người bị cáo buộc đã lên kế hoạch và chỉ huy cuộc đảo chính chống lại chính quyền của Tổng thống Erdogan. Ông là một trong số gần 6.000 sĩ quan, thẩm phán, công tố viên bị bắt giữ sau cuộc đảo chính, và bị đưa ra tòa xét xử với tội danh tạo phản.
Theo hồ sơ đăng trên website của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Ozturk sinh năm 1952, từng là tùy viên quân sự ở Israel từ 1996 đến 1998. Ông Ozturk được bổ nhiệm làm tư lệnh không quân Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2013-2015, và khi cuộc đảo chính nổ ra, ông vẫn là một thành viên của Hội đồng Quân sự Tối cao (YAS), cơ quan giám sát quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. YAS tổ chức hội nghị hai lần mỗi năm, và theo kế hoạch, tướng Ozturk sẽ được cho về hưu trong hội nghị vào tháng 8.
Đại tướng không quân Akin Ozturk, người bị cáo buộc cầm đầu cuộc đảo chính. Ảnh: Anadolu
Theo các sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên, cuộc đảo chính lần này được phát động sớm hơn kế hoạch dự kiến, khi tướng Ozturk và các sĩ quan đồng lõa nhận ra âm mưu của họ có nguy cơ bị bại lộ.
Vào ngày 15/7, tướng Ozturk, tướng Adem Huduti, tư lệnh quân đoàn 2, và trung tướng Erdal Ozturk, chỉ huy trưởng lữ đoàn 3 ở Istanbul, lo sợ kế hoạch của họ đã bị rò rỉ. Họ quyết định bắt đầu thực hiện cuộc đảo chính vào tối ngày 15/7, thay vì rạng sáng ngày hôm sau như kế hoạch ban đầu.
Việc thay đổi kế hoạch hành động sớm như vậy đã dẫn đến những chệch choạc trong công tác phối hợp giữa các đơn vị ở Ankara và Istanbul, theo các chuyên gia phân tích quân sự.
Các mục tiêu quan trọng chiến lược, chẳng hạn như trụ sở cơ quan tình báo quốc gia, các đài truyền hình quốc gia và tư nhân, cùng tòa nhà Quốc hội bị tấn công, khống chế sau quãng thời gian trì hoãn khá lâu. Hơn hết thảy, các lãnh đạo đảo chính đã thất bại trong mục tiêu quan trọng nhất, đó là bắt giữ Tổng thống Erdogan. Tệ hơn, các trực thăng chở lính đặc nhiệm tới bắt ông Erdogan ở khu nghỉ dưỡng Marmaris còn tấn công nhầm khách sạn bên cạnh, còn ông Erdogan đã rời đi trước đó.
Sau đảo chính, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải những hình ảnh tướng Ozturk và hơn 10 tướng lĩnh khác bị trói chặt tay, bị thẩm vấn tại đồn cảnh sát với những gương mặt xây xát, bầm tím. Họ bị cáo buộc là thành viên của phong trào Gulen, phong trào Hồi giáo do giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen dẫn dắt, vốn có ảnh hưởng rất lớn trong các lực lượng hành pháp, tư pháp và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Michael Rubin, cựu quan chức Lầu Năm Góc đặc trách Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, không tin rằng những sĩ quan cấp cao như tướng không quân Ozturk có liên hệ với phong trào Gulen.
"Một tướng 4 sao như Ozturk không thể nào là tay sai của Gulen được. Để lên được cấp bậc đó, ông ta đã phải trải qua những quá trình thẩm tra lý lịch kỹ càng, và không thể có bất cứ liên hệ nào với Gulen", Rubin nói.
Trong thực tế, tướng Ozturk lại là người từng nhiệt tình chống lại "những phần tử Gulen xâm nhập vào quân đội", theo Ahmet Sik, một phóng viên điều tra kỳ cựu của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc thanh lọc phong trào Gulen trong quân đội được bắt đầu từ năm 2014, khi khoảng 200 sĩ quan quân đội bị truy tố, kết án, trong đó hàng chục người vẫn đang phải ngồi tù.
Giới quan sát nhận định dù động cơ thực hiện đảo chính là gì, tướng Ozturk và các thuộc cấp rất có thể sẽ phải chịu kết cục bi thảm, khi Tổng thống Erdogan công khai tuyên bố sẽ xem xét khôi phục án tử hình để trừng phạt những kẻ gây ra đảo chính.
"Các tướng đảo chính đã quá ngây thơ trước sức mạnh của truyền thông di dộng, trong khi không đưa ra được lý do chính trị cho hành động của họ. Nói một cách đơn giản, cuộc đảo chính thất bị vì nó được lên kế hoạch như một chiến dịch quân sự, mà không có biện pháp chính trị hiệu quả", Afzal Ashraf, chuyên gia phân tích tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, nhận định.