Đảo chính ở Sudan: Giải tán chính phủ, ban bố tình trạng khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
Tướng Abdel Fattah al-Burhan trong bài phát biểu ngày 25/10. Ảnh: AP
Tướng Abdel Fattah al-Burhan trong bài phát biểu ngày 25/10. Ảnh: AP
TPO - Người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan - Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố giải tán chính phủ và ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi quân đội đảo chính, bắt giữ thủ tướng.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 25/10, tướng Abdel Fattah al-Burhan ban bố tình trạng khẩn cấp ở Sudan, giải tán cả Chính phủ và Hội đồng Chủ quyền Sudan, vô hiệu hoá một số điều trong hiến pháp mà lực lượng quân sự và dân sự Sudan ký vào năm 2019.

Ông al-Burhan tuyên bố một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/2023. Từ nay đến lúc đó, Sudan sẽ được lãnh đạo bởi một nội các độc lập chịu sự giám sát của quân đội. “Chính quyền lâm thời sẽ xử lý tất cả các công việc của Sudan trước cuộc bầu cử tháng 7/2023”, ông al-Burhan nói.

Trước đó, quân đội Sudan đã bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao của Sudan bao gồm Thủ tướng Abdalla Hamdok, bộ trưởng thông tin, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng công nghiệp… Các vụ bắt bớ diễn ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Hamdok với tướng al-Burhan. Ông Hamdok được cho là đã từ chối ủng hộ việc quân đội tiếp quản quá trình chuyển tiếp quyền lực, theo Reuters.

Hàng chục người Sudan đã xuống đường biểu tình ở Sudan trong ngày đầu tuần. Ít nhất 12 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với quân đội.

Đảo chính ở Sudan: Giải tán chính phủ, ban bố tình trạng khẩn cấp ảnh 1

Biểu tình ở thủ đô Khartoum của Sudan. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án cuộc đảo chính ở Sudan và kêu gọi lập tức trả tự do cho Thủ tướng Hamdok cùng các thành viên chính phủ dân sự.

Đại sứ quán Mỹ ở Khartoum (thủ đô của Sudan) tỏ ra quan ngại trước thông tin lực lượng vũ trang chống lại chính phủ dân sự của Sudan. Phía Mỹ lên án hành động làm gián đoạn quá trình chuyển đổi quyền lực của Sudan.

Trước đó, hồi tháng 4/2019, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra ở Sudan trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút. Tổng thống Sudan khi đó - ông Omar al-Bashir, người từng cầm quyền suốt 30 năm - bị tước bỏ quyền lực và phải ngồi tù.

Sudan sau đó được điều hành bởi Hội đồng Chủ quyền, bao gồm cả phe quân sự và dân sự. Hội đồng do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo, trong khi ông Hamdok chịu trách nhiệm xử lý công việc hằng ngày với tư cách thủ tướng - người đứng đầu nội các dân sự.

Chính quyền quân sự và dân sự của Sudan đã đồng ý giai đoạn chuyển tiếp sẽ bao gồm các cải cách chính trị và kinh tế quy mô lớn.

Theo RT, Reuters
MỚI - NÓNG